Vấn nạn bằng giả: Xử lý chưa nghiêm PDF. In Email
Thứ năm, 25 Tháng 10 2012 15:00

Mỗi năm, cả nước có hàng trăm vụ làm bằng giả bị phanh phui, hàng nghìn đối tượng mua bằng bị phát hiện. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng vẫn còn chưa nghiêm minh.



Hàng loạt bằng giả đã bị thu giữ và đang tiếp tục
xác minh. (Ảnh: PLTPHCM)

Với các cơ quan, khi phát hiện cán bộ, nhân viên sử dụng bằng giả vẫn chỉ dừng lại ở việc xử lý kỷ luật cảnh cáo, cao nhất là thôi việc. Thực tế này vẫn tạo "đất" cho các đối tượng mua bán bằng giả. 

Một nhân viên kế toán đã từng làm việc nhiều năm tại một công ty xuất nhập khẩu lớn với tấm bằng được cơ quan có chức năng chứng thực. Trong một đợt công ty xác minh lại bằng cấp của cán bộ, nhân viên đã phát hiện ra nhân viên này sử dụng bằng tốt nghiệp đại học giả để xin việc.

Hay trường hợp khác, một nhân viên hành chính và quản lý tài sản của một công ty vật tư ngân hàng đã sử dụng bằng giả để xin việc. Được nhận vào bởi chuyên ngành khá phù hợp: Tài chính ngân hàng. Tuy nhiên khi xác minh tại cơ sở đào tạo thì mới phát hiện, nhân viên này không hề theo học tại đây. Bằng cấp được sử dụng là bằng giả.

Tại Sóc Trăng, vừa qua cũng đã phát hiện 280 nhân viên sử dụng bằng giả. Có những người sử dụng bằng để xin việc, có những người sử dụng bằng giả với mục đích thăng quan tiến chức.

Theo PGS. Văn Như Cương, cùng hai người người có bằng Thạc sĩ sẽ được đề bạt, chúng ta vẫn đề cao bằng cấp hơn thực lực nên mới có tình trạng như vậy.

Hiện Việt Nam có khoảng trên 400 cơ sở đạo tạo Đại học, Cao đẳng, chưa kể đến các loại hình đào tạo khác. Chỉ riêng trường ĐH Kinh tế Quốc dân, mỗi năm cơ quan này đã nhận được vài trăm đề nghị của các doanh nghiệp, tổ chức về việc thẩm tra lại bằng cấp của cán bộ nhân viên và đã phát hiện khá nhiều trường hợp mạo danh sinh viên của trường thông qua việc mua bằng giả để để xin việc và các mục đích khác.

Tuy nhiên, đại diện nhà trường cũng cho biết, chưa bao giờ nhà trường nhận được sự phản hồi nào của các các doanh nghiệp, tổ chức về việc đã xử lý như thế nào đối với những đối tượng đã mạo danh theo học tại trường bằng cách mua bằng giả.

Đại tá Bùi Văn Đại, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa, đơn vị đã phá nhiều vụ án liên quan tội phạm làm và sử dụng bằng giả cũng cho biết, cơ quan này cũng chưa bao giờ được các đơn vị sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc xử lý những trường hợp nhân viên sử dụng bằng cấp giả.

Tình trạng chung là khi phát hiện, đơn vị cũng chỉ dừng lại ở việc xử lý nội bộ, như kỷ luật cảnh cáo, cao nhất là buộc thôi việc. Trong khi theo Bộ luật hình sự, tội danh mua bằng lừa dối các cơ quan, tổ chức phải chịu mức xử phạt hành chính cao, thậm chí là mức án từ 1 đến 5 năm tù.

Đại tá Bùi Văn Đại cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp nên thông báo để cơ quan chức năng điều tra. Vì nếu bị xử lý nghiêm thì họ sẽ không dám mua bằng.

Cũng theo các trường Đại học, hiện chỉ những công ty và các tổ chức lớn uy tín mới quan tâm tới việc thẩm tra lại bằng cấp của nhân viên đang làm việc, phần lớn các công ty TNHH, đơn vị ở vùng sâu vùng xa thường không quan tâm tới vấn đề này. Đây cũng là kẽ hở để các đối tượng  mua bằng sử dụng bằng giả để xin việc.


Theo VTV