THÔNG TIN TUYỂN SINH ngành Ngôn ngữ Trung Quốc và ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế giữa Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm Thủ Đô (Trung Quốc) PDF. In Email
Thứ năm, 06 Tháng 7 2023 12:58

 

1. Giới thiệu chung về chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo: Ngôn ngữ Trung Quốc; Giáo dục Hán ngữ Quốc tế

Trình độ đào tạo: Đại học

Loại hình đào tạo: Chính quy.

2. Đối tượng, phương thức xét tuyển

Thí sinh được xét tuyển vào chương trình liên kết đào tạo trình độ đại học cấp song bằng Ngôn ngữ Trung Quốc và Giáo dục Hán ngữ Quốc tế giữa Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm Thủ Đô khi thoả các điều kiện sau:

- Trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc theo quy chế và đề án tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh;

- Có nguyện vọng nộp hồ sơ ứng tuyển vào chương trình liên kết đào tạo;

- Đạt trình độ tiếng Trung tối thiểu Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (sau khi kết thúc giai đoạn 1);

- Cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ tham gia công tác giảng dạy tiếng Trung trong thời gian không dưới 3 năm;

Trong trường hợp số lượng thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển vượt chỉ tiêu tuyển sinh thì Trường sẽ tổ chức cho thí sinh tham gia kiểm tra đầu vào, kết quả trúng tuyển được xét từ cao xuống thấp theo kết quả bài kiểm tra.

3. Thời gian và địa điểm đào tạo

3.1. Thời gian và địa điểm đào tạo

Thời gian đào tạo theo thiết kế: 4 năm học (8 học kỳ), bao gồm:

- Giai đoạn 1: 2 năm tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

- Giai đoạn 2: 2 năm tại Đại học Sư phạm Thủ Đô.

3.2. Chương trình đào tạo

Chương trình liên kết đào tạo này gồm 138 tín chỉ cho cả 2 ngành Ngôn ngữ Trung Quốc và Giáo dục Hán ngữ Quốc tế. Việc triển khai chương trình đào tạo được thực hiện như sau:

- Giai đoạn 1:

+ Gồm 63 tín chỉ, sẽ được tích luỹ chung cho chương trình ngành Ngôn ngữ Trung Quốc và ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế.

+ Sinh viên học tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách giảng dạy các học phần ở giai đoạn 1.

- Giai đoạn 2:

+ Gồm 75 tín chỉ đã bao gồm các học phần thực hành nghề nghiệp, trong đó 45 tín chỉ sẽ được tích luỹ chung cho cả hai chương trình Ngôn ngữ Trung Quốc và Giáo dục Hán ngữ Quốc tế; 20 tín chỉ sẽ được tích luỹ cho chương trình ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, 10 tín chỉ được tích luỹ cho chương trình ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế.

+ Sinh viên học tại Đại học Sư phạm Thủ Đô.

+ Giảng viên của Đại học Sư phạm Thủ Đô phụ trách giảng dạy các học phần ở giai đoạn 2.

+ Đại học Sư phạm Thủ Đô phụ trách tổ chức và hướng dẫn sinh viên thực tập nghề nghiệp cho cả hai ngành.

4. Ngôn ngữ giảng dạy: Tiếng Việt, tiếng Trung Quốc.

5. Bằng tốt nghiệp:

- Bằng tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Trung Quốc do Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cấp.

- Bằng tốt nghiệp ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế do Đại học Sư phạm Thủ Đô cấp.

6. Học phí:

Giai đoạn 1: Sinh viên đóng học phí 35.000.000 đồng/năm. Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh độc lập trong việc thu chi của giai đoạn 1.

Giai đoạn 2: Căn cứ theo điều 1, điều 2 và điều 4 của Thoả thuận, trong giai đoạn 2 học tập tại Đại học Sư phạm Thủ Đô, sinh viên đạt yêu cầu sẽ được nhận học bổng của Trung tâm Hợp tác ngôn ngữ là 40.000 Nhân dân tệ/năm/người, bao gồm: học phí (23.600 Nhân dân tệ), phí bảo hiểm (800 Nhân dân tệ), tiền ở phòng 4 người (9.600 Nhân dân tệ) và sinh hoạt phí (6.000 Nhân dân tệ).

Ngoài ra, các sinh viên đủ điều kiện khi tham gia chương trình liên kết đào tạo giai đoạn 2 học tại Đại học Sư phạm Thủ Đô sẽ phải nộp khoản phí phục vụ đào tạo là 20% mức thu học phí tại Việt Nam (tạm tính là 7.000.000 đồng/năm) cho Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh để duy trì theo dõi kết quả, quá trình học tập, thực tập trong khuôn khổ thoả thuận đào tạo.

Các sinh viên ngoài khuôn khổ số lượng hợp tác, đủ điều kiện và có nguyện vọng bổ sung theo học giai đoạn 2 tại Đại học Sư phạm Thủ đô thực hiện nghĩa vụ học phí theo quy định và nộp trực tiếp cho Đại học Sư phạm Thủ Đô.

Các chi phí khác sinh viên phải nộp bao gồm: Bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định của Bảo hiểm xã hội, các khoản nhập học theo thông báo của hai Trường, tiền ở ký túc xá khi có phát sinh, các khoản phí theo quy định khi tham gia các hoạt động đoàn thể chính trị xã hội (nếu có).

7. Chỉ tiêu: 15 sinh viên.