Khoa Ngữ văn PDF. In Email
Thứ ba, 20 Tháng 9 2011 21:20

Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm TP.HCMNếu kể cả Ban Việt Hán thuộc Khoa Sư phạm Sài Gòn (1957), tiền thân của Khoa Tiếng Việt – Văn học thuộc Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (1976), Khoa Ngữ Vănđã được thành lập gần 50 năm.

Hiện nay, Khoa Ngữ Văn có 46 thành viên, gồm 9 phó giáo sư tiến sĩ; 13 tiến sĩ, giảng viên chính; 8 thạc sĩ, giảng viên chính; 3 thạc sĩ, 7 giảng viên; 3 trợ lí giảng dạy và 3 nhân viên văn phòng, được biên chếtrong 6 tổ bộ môn: Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài; Lí luận văn học; Lí luận và Phương pháp giảng dạy ngữ văn; Ngôn ngữ và Hán Nôm.

Ngoài công việc nghiên cứu và giảng dạy ở Trường, nhiều giảng viên tham gia giảng dạy, đào tạo ở một số đại học như Đại học Sư phạm Huế, Đại học Khoa học Huế, Đại học Qui Nhơn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Đại học Đà Lạt, Đại học Cần Thơ v.v. Hiện có 7 giảng viên tham gia trong Ban Chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh.

Khoa Ngữ Văn rất có ý thức xây dựng đội ngũ kế thừa, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cán bộ giảng dạy học tập nghiên cứu, cũng như tham gia hợp tác quốc tế. Hiện nay Khoa Ngữ Văn có hơn 85% giảng viên đạt trình độ sau đại học và là một trong những khoa lớn, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Chức năng, nhiệm vụ

Đào tạo Cử nhân Sư phạm với các hệ chính quy, tại chức, chuyên tu, Cử nhân ngoài Sư phạm với các hệ chính quy, tại chức, Cử nhân tiếng Việt cho người nước ngoài và Cử nhân Việt Nam học.

Đào tạo 5 mã số thạc sĩ ngữ văn với các chuyên ngành: Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Lí luận văn học, Lí luận và phương pháp giảng dạy ngữ văn và lí  luận ngôn ngữ.

Đào tạo 3 mã số tiến sĩ ngữ văn với các chuyên ngành: Lí luận ngôn ngữ, Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài (văn học Trung Quốc).
Nghiên cứu khoa học cơ bản và khoa học sư phạm về ngữ văn, biên soạn giáo trình Ngữ văn giảng dạy ở các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, tham gia viết sách giáo khoa, sách giáo viên ngữ văn cho bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Liên kết đào tạo, hợp tác, nghiên cứu và trao đổi giảng dạy ngữ văn với các đối tác: Đại học Rajabhat Chiangmai Thái Lan, Đại học Rajabhat Chandrakasem Thái Lan, Đại học Giáo dục Bình Đông Đài Loan, Đại học Paris 7 (LUniversité Paris 7 – Denis Diderot) Pháp và Viện nghiên cứu quốc gia về ngôn ngữ và văn minh phương Đông (INALCO – Institut national des luangues et civilisations orientales) Pháp.

Trưởng, Phó Trưởng khoa qua các thời kì

Từ năm 1976 - 1977 Q. Trưởng khoa GVC. Nguyễn Gia Phương
Phó Trưởng khoa GVC. Hồ Văn Nho
Từ năm 1977 - 1985 Trưởng khoa PGS. Hoàng Nhân
Phó Trưởng khoa GVC. Nguyễn Gia Phương
GVC. Hồ Văn Nho (1977 - 1983)
PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát (1982 - 1984)
GS. TSKH. Lê Ngọc Trà (1984 - 1985)
Từ năm 1985 - 1988 Trưởng khoa PGS. Cù Đình Tú
Phó Trưởng khoa GVC. Lê Văn Trúc
TS. Lâm Vinh
Từ năm 1988 - 1996 Trưởng khoa GVC. Trần Hoán
Phó Trưởng khoa PGS.TS. Trần Hữu Tá
PGS.TS. Hồ Sĩ Hiệp
Từ năm 1996 - 1997 Q. Trưởng khoa PGS.TS. Trần Hữu Tá
Phó Trưởng khoa PGS.TSKH. Bùi Mạnh Nhị
PGS.TS. Hồ Sĩ Hiệp
Từ năm 1997 - 1999 Trưởng khoa PGS.TSKH. Bùi Mạnh Nhị
Phó Trưởng khoa PGS.TS. Hồ Sĩ Hiệp
PGS.TS. Đoàn Thị Thu Vân
PGS.TS. Trịnh Sâm
Từ năm 1999 - 2002 Trưởng khoa PGS.TS. Đoàn Thị Thu Vân
Phó Trưởng khoa PGS.TS. Hồ Sĩ Hiệp
PGS.TS. Trịnh Sâm
TS. Trần Hoàng
Từ năm 2002 đến 2006 Trưởng khoa PGS.TS. Trịnh Sâm
Phó Trưởng khoa PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng
TS. Nguyễn Thành Thi
PGS.TS. Lê Thu Yến

Thành tích đạt được trong 30 năm qua (1976 – 2006)

Công tác đào tạo

Đã đào tạo được 12.136 Cử nhân Ngữ Văn bao gồm các hệ chính quy, chuyên tu, tại chức, 320 sinh viên nước ngoài gồm hệ dài hạn (Cử nhân) và ngắn hạn. Riêng ở nước ngoài, Khoa Ngữ Văn đã mở được 7 khóa đào tạo tiếng Việt ngắn hạn (3 tháng) ở Đại học Rajabhat Chiangmai, Thái Lan và Đại học Giáo dục Bình Đông, Đài Loan có trên 100 học viên theo học, do 8 giảng viên của Khoa trực tiếp giảng dạy.

Đã mở được 17 khóa đào tạo cao học, đến nay đã có 352 thạc sĩ đã tốt nghiệp và 28 tiến sĩ đã bảo vệ thành công luận án, đã bồi dưỡng thường xuyên theo chu kì và bồi dưỡng thay sách giáo khoa cho hơn 4000 giáo viên Ngữ Văn Trung học phổ thông các tỉnh phía Nam.
Sinh viên, học viên của Khoa, sau khi tốt nghiệp đều phát huy tốt sở học của mình, được xã hội đánh giá cao, trong số đó nhiều học viên đang giữ những trọng trách ở trung ương cũng như tại các địa phương.

Nghiên cứu khoa học

Đã xuất bản 119 đầu sách, bao gồm sách nghiên cứu, sách tham khảo, giáo trình và sách phổ biến khoa học, nhiều đầu sách đã được tái bản nhiều lần. Đã hoàn thành 32 đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Trường, trong đó có 4 đề tài đã được xuất bản rộng rãi phục vụ xã hội. Liên kết xuất bản với 10 tạp chí chuyên ngành để công bố kết quả nghiên cứu của giảng viên trong Khoa.

Đã tổ chức 18 Hội nghị cấp Trường, cấp Khoa, 5 Hội nghị nghiên cứu khoa học cho sinh viên Ngữ Văn trong cả nước. Các Hội nghị này đều có in kỉ yếu. Cán bộ của Khoa có nhiều bài viết trên các tạp chí chuyên ngành thường xuyên. Đang liên kết, hợp tác nghiên cứu 8 đề tài với các giảng viên Trường Đại học Paris 7.

Đang liên kết biên soạn giáo trình tiếng Việt cho người Đài Loan gồm 5 cuốn, đã in được cuốn 1: Tiếng Việt căn bản.

Nhiều giảng viên tham gia viết sách giáo khoa cho Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, nhiều thầy cô giáo tham gia các dự án như Dự án sách tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài, Dự án nghiên cứu sách giáo khoa ở Hàn Quốc và ở Cộng hòa Pháp.

Khen thưởng

Đáng chú ý là những hình thức khen thưởng sau

1976 – 1996 Huân chương Lao động hạng Ba (20 năm xây dựng và phát triển Nhà trường); 1976 – 1996 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo (20 năm xây dựng và phát triển Nhà trường); 1976 – 2001 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo (25 năm xây dựng và phát triển Nhà trường); 1999 – 2000 Bằng khen của Bộ giáo dục và Đào tạo (Đạt thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua thời kỳ đổi mới); 2001 – 2005 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (5 năm xây dựng và phát triển Nhà trường); 1999 – 2002 Tập thể lao động giỏi (các năm học 1999 – 2000, 2000 – 2001, 2001 – 2002), 2003 – 2005 Tập thể lao động xuất sắc (năm học 2002-2003, 2003-2004, 2004-2005).

Nhiều tổ bộ môn, nhiều cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều giảng viên là Chiến sĩ thi đua, là Giảng viên giỏi nhiều năm liền.

Tính từ năm 1976, Khoa Ngữ Văn đã có 1 thầy giáo được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và 14 thầy cô được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Trong 30 năm qua, mỗi bước trưởng thành và phát triển của Khoa Ngữ Văn đều gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường.

Trong phạm vi của Khoa, những thành tích mà Khoa đã đạt được không tách rời sự chỉ đạo sâu sát của chi bộ Đảng, sự điều hành trực tiếp của Ban Chủ nhiệm khoa, sự tham vấn đắc lực và hiệu quả của Hội đồng khoa học Khoa, sự hỗ trợ tích cực của Ban Chấp hành Công đoàn Khoa, đặc biệt sự đồng thuận và chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của các cấp lãnh đạo từ Trường đến Khoa của toàn thể giảng viên, công nhân viên và sinh viên của Khoa.

Cùng với sự lớn mạnh của Nhà trường, Khoa Ngữ Văn đang đứng trước những cơ hội rất thuận lợi để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.