Khoa Giáo dục chính trị PDF. In Email
Thứ ba, 20 Tháng 9 2011 22:33

Khoa Giáo dục Chính trị - Trường Đại học Sư phạm TP.HCMBa mươi năm nhìn lại

Sau ngày đất nước thống nhất, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1976, Tổ Mác-Lênin, tiền thân của Khoa Giáo dục Chính trị cũng ra đời từ đó. Khi mới thành lập, với tư cách là một Tổ chuyên môn trực thuộc Trường, Tổ Mác-Lênin do thầy Phạm Khánh Tiến phụ trách, có nhiệm vụ giảng dạy các môn khoa học Mác- Lênin, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho sinh viên các hệ trong Trường. Do số lượng giảng viên quá ít, công việc giảng dạy lại rất nhiều cho nên thời gian đầu, Tổ còn mời thêm thầy từ Hà Nội và cả các thầy trong Ban Giám hiệu cùng tham gia giảng dạy. Dần dần, với chủ trương phát triển đội ngũ đúng đắn, vừa tiếp nhận cán bộ từ Hà Nội và các nơi khác đến vừa giữ sinh viên tốt nghiệp các ngành khác gửi đi các nơi đào tạo, đến năm 1984, Tổ Mác-Lênin đã có một đội ngũ đông đảo trên 30 giảng viên và được chia làm 4 tổ bộ môn, gồm Tổ Triết học, Tổ Kinh tế Chính trị, Tổ Chủ nghĩa xã hội khoa học và Tổ Lịch sử Đảng. Tổ đã có 1 chi bộ với 19 đảng viên, 1 công đoàn bộ phận và 1 chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Năm 1985, trong các trường Trung học phổ thông các tỉnh phía Nam, tình hình thiếu giáo viên Giáo dục công dân trở nên bức xúc. Hầu hết giáo viên đều dạy kê, dạy kiêm nhiệm, dạy không đúng chuyên ngành, làm cho việc dạy và học môn Giáo dục công dân trong nhà trường Trung học phổ thông kém chất lượng và hiệu quả. Trước yêu cầu cấp thiết về việc đào tạo đội ngũ giáo viên Giáo dục công dân cho các trường phổ thông, bồi dưỡng, chuẩn hóa số giáo viên chưa được đào tạo đúng chuyên ngành, Bộ Giáo dục đã ra quyết định số 607 ngày 08 tháng 6 năm 1985 cho phép thành lập Khoa Mác - Lênin và từ năm 1989 đổi tên thành Khoa Giáo dục Chính trị. Cho đến nay Khoa đã trưởng thành qua sáu nhiệm kì.

Nhiệm kì 1 : 1985- 1989
Khoa Giáo dục Chính trị nhiệm kì đầu tiên có 30 giảng viên và 02 nhân viên. Trưởng khoa là cô Nguyễn Thị Kim Hanh. Các Phó Trưởng khoa gồm cô Trương Thị Anh Đào và thầy Phạm Văn Tuyên. Lúc này Khoa có 05 tổ bộ môn: Phương pháp giảng dạy, Triết học, Kinh tế Chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học và Lịch sử Đảng do các thầy, cô Nguyễn Thị Kim Hanh, Nguyễn Chương Nhiếp, Võ Thị Hiệp, Hoàng Thành Lân, Trương Thị Anh Đào làm tổ trưởng. Thầy Hoàng Thành Lân làm Bí thư chi bộ, Thầy Nguyễn Xuân Cổn làm Chủ tịch Công đoàn.

Nhiệm kì 2 : 1989- 1993
Khoa có 28 giảng viên và 02 nhân viên. Trưởng khoa là cô Nguyễn Thị Kim Hanh. Các Phó Trưởng khoa gồm thầy Hoàng Thành Lân và thầy Phạm Văn Tuyên. Lúc này Khoa có 05 tổ bộ môn: Phương pháp giảng dạy, Triết học, Kinh tế Chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học và Lịch sử Đảng do các thầy, cô Nguyễn Thị Kim Hanh, Nguyễn Chương Nhiếp, Bùi Thị Xuyến, Phạm Văn Tuyên, Trần Như Cương làm Tổ trưởng. Thầy Trần Như Cương làm Bí thư chi bộ, Thầy Nguyễn Công Chiến làm Chủ tịch Công đoàn.

Nhiệm kì 3 : 1993- 1995
Khoa có 22 giảng viên và 02 nhân viên. Trưởng khoa là cô Nguyễn Thị Kim Hanh. Các Phó Trưởng khoa gồm thầy Trần Như Cương và cô Bùi Thị Xuyến. Lúc này Khoa vẫn có 05 tổ bộ môn: Phương pháp giảng dạy, Triết học, Kinh tế Chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học và Lịch sử Đảng do các thầy, cô Nguyễn thị Kim Hanh, Nguyễn Chương Nhiếp, Bùi Thị Xuyến, Tô Thị Lan Hương, Trần Như Cương làm Tổ trưởng. Thầy Trần Như Cương vẫn làm Bí thư chi bộ, Thầy Nguyễn Công Chiến làm Chủ tịch Công đoàn.

Nhiệm kì 4 : 1995- 1999
Khoa có 21 giảng viên và 02 nhân viên. Nhiệm kì này, Trưởng khoa là cô Bùi Thị Xuyến, Phó Trưởng khoa là thầy Nguyễn Chương Nhiếp. Lúc này Khoa vẫn có 05 tổ bộ môn: Phương pháp giảng dạy, Triết học, Kinh tế Chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học và Lịch sử Đảng do các thầy, cô: Phí Văn Thức, Nguyễn Chương Nhiếp, Bùi Thị Xuyến, Tô Thị Lan Hương, Nguyễn Trung Tính làm Tổ trưởng. Cô Tô Thị Lan Hương làm Bí thư chi bộ, Cô  Nguyễn Thị Thu Hà làm Chủ tịch Công đoàn.

Nhiệm kì 5 : 2000- 2004
Khoa có 22 giảng viên và 02 nhân viên. Nhiệm kỳ này, Trưởng khoa vẫn là cô Bùi Thị Xuyến, Phó Trưởng khoa là thầy Nguyễn Chương Nhiếp và thầy Lương Văn Tám. Khoa vẫn có 05 tổ bộ môn, Phương pháp giảng dạy, Triết học, Kinh tế Chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học và Lịch sử Đảng do các thầy, cô: Phí Văn Thức, Nguyễn Chương Nhiếp, Trần Thanh Dũng, Tô Thị Lan Hương, Nguyễn Trung Tính làm Tổ trưởng. Thầy Nguyễn Trung Tính làm Bí thư chi bộ, Cô  Bùi Thị Quỳnh Hương làm Chủ tịch Công đoàn.

Nhiệm kì 6 : 2004- 2009
Khoa có 22 giảng viên và 02 nhân viên. Nhiệm kì này, Trưởng khoa là thầy Nguyễn Chương Nhiếp, Phó Trưởng khoa là thầy Lương Văn Tám và thầy Nguyễn Trung Tính. Hiện nay Khoa có 06 tổ bộ môn: Phương pháp giảng dạy, Triết học, Kinh tế Chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, do các thầy, cô: Phí Văn Thức, Nguyễn Ngọc Khá, Trần Thanh Dũng, Nguyễn Thị Nhu, Nguyễn Trung Tính và Lương Văn Tám làm Tổ trưởng. Thầy Nguyễn Trung Tính làm Bí thư chi bộ, Cô  Bùi Thị Quỳnh Hương làm Chủ tịch Công đoàn.
Từ chỗ đội ngũ đa số tốt nghiệp Đại học các chuyên ngành Lí luận Mác- Lênin, hiện nay, Khoa đã có 08 tiến sĩ, 12 thạc sĩ, 02 đang học cao học. Tuy vậy, đội ngũ thầy cô giáo Khoa Giáo dục Chính trị vẫn không ngừng cố gắng vươn lên về mọi mặt để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của mình, xứng đáng với vai trò giảng viên đại học trong giai đoạn mới.

Những đóng góp

Với tư cách là một khoa của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc giảng dạy các môn khoa học Mác- Lênin, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam cho sinh viên tất cả các khoa, các hệ trong Trường, Khoa Giáo dục Chính trị còn có chức năng đào tạo sinh viên chuyên ngành và nghiên cứu khoa học. Ba mươi năm qua, Khoa Giáo dục Chính trị đã đào tạo được trên 5000 sinh viên cả chính quy và không chính quy, đóng góp xứng đáng cho đội ngũ giáo viên Giáo dục công dân của các tỉnh phía Nam. Một số sinh viên tốt nghiệp ngành Giáo dục Chính trị đã trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, tham gia giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, có người đang giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước.

Cùng với hoạt động đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học cũng thu được nhiều kết quả. Khoa đã thực hiện 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ được đánh giá tốt, 01 đề tài nghiên cứu cấp Bộ khác đang được nghiệm thu; 08 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường và nhiều công trình nghiên cứu khác. Ngoài ra, các thầy cô trong Khoa còn tham gia biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu tham khảo, viết nhiều sách, báo chuyên khảo, tham gia viết sách giáo khoa cho các trường Trung học phổ thông,v.v…
Với những thành tích trên, Khoa Giáo dục Chính trị được công nhận là Tập thể lao động xuất sắc trong nhiều năm liền, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục  và Đào tạo tặng Bằng khen.

Hướng về phía trước

Những thành tích đạt được trong ba mươi năm qua tuy còn khiêm tốn nhưng thật đáng trân trọng, đó là kết quả nỗ lực phấn đấu của nhiều thế hệ thầy cô giáo trong Khoa. Tuy nhiên, những thành tích, đóng góp của Khoa vẫn chưa tương xứng với tầm vóc của một khoa trong Trường Đại học Sư phạm trọng điểm, chưa thể nào sánh kịp với nhiều khoa bạn và càng chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Ý thức được điều đó, toàn thể cán bộ, công chức trong Khoa, cả đội ngũ thầy cô giáo và sinh viên đang cố gắng vươn lên về mọi mặt. Trước mắt, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, áp dụng trang thiết bị và công nghệ tiên tiến vào hoạt động dạy học, Khoa đang ráo riết làm thủ tục để xin mở mã số đào tạo Cao học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước. Mặt khác, hoạt động nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học sư phạm về các môn Mác- Lênin cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Hi vọng rằng trong những năm tới, với quyết tâm đổi mới, với nỗ lực của toàn thể giảng viên, nhân viên, Khoa Giáo dục Chính trị sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đào tạo trong giai đoạn mới, xứng đáng với một khoa- thành viên trong Trường Đại học Sư phạm trọng điểm.