Khoa Tiếng Nga PDF. In Email
Thứ tư, 21 Tháng 9 2011 11:49

Khoa Nga - Trường Đại học Sư phạm TP.HCMKhoa Tiếng Nga Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh là một khoa ngôn ngữ được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm học 1978-1979. Tiền thân của Khoa là phân Khoa Tiếng Nga thuộc Khoa Ngoại ngữ của Trường.

Ngày 15/10/1978 là ngày thành lập Khoa Tiếng Nga.

 

 

 

 

 

 

 

 

Trưởng, Phó Trưởng khoa qua các thời kì:

  • Từ 1978-1983    : Trưởng Phân Khoa Nga     Cô Nguyễn Ý Nhị
  • Từ 1983-1989    : Phó Trưởng khoa     Cô Nguyễn Ý Nhị
  • Từ 1979-1983    : Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ    TSKH. Trần Văn Cơ
  • Từ 1983-1988    : Phó Trưởng khoa     TSKH. Trần Văn Cơ
  • Từ 1983-1993    : Trưởng khoa     TS. Lê Huy Đoàn
  • Từ 1995-1999    : Trưởng khoa     TS. Lê Huy Đoàn
  • Từ 1985-1993    : Phó Trưởng khoa    Thầy Trịnh Bá Hùng
  • Từ 1988-1992    : Phó Trưởng khoa    TS. Nguyễn Mạnh Cường
  • Từ 1993-1994    : Trưởng khoa    TS. Trương Gia Vinh
  • Từ 1993-1994    : Phó Trưởng khoa    Cô Đinh Thị Hiền
  • Từ 1993-1994    : Phó Trưởng khoa    Cô Phạm Diệu Hồng
  • Từ 1995-1999    : Phó Trưởng khoa    Thầy Nguyễn Đức Quyết
  • Từ 1999-2003    : Trưởng khoa    Thầy Nguyễn Đức Quyết
  • Từ 1997-2003    : Phó Trưởng khoa    Thầy Hoàng Sĩ Bối
  • Từ 1999-2003    : Phó Trưởng khoa    ThS. Đỗ Thị Huy
  • Từ 2003-05/2006    : Trưởng khoa    ThS. Nguyễn Đức Quyết
  • Từ 2005 đến nay    : Phó Trưởng khoa    ThS. Vũ Thị Hồng Vân
  • Từ 2005 đến nay    : Phó Trưởng khoa    TS. Phạm Xuân Mai

Các ngành đào tạo

  • Cử nhân song ngữ sư phạm Nga –Anh;
  • Cử nhân Tiếng Nga;
  • Từ năm học 2006 - 2007 có hệ đào tạo: Cử nhân song ngữ Nga – Anh.

Thành tích từ năm 2001 đến 2006

  • Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”: 15 đ/c
  • Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: 4 đ/c

Lịch sử hình thành và phát triển Khoa Tiếng Nga đã trải qua nhiều thời kì với nhiều thăng trầm. “Thời vàng son” của Khoa là những năm đầu thập kỉ 80 với hơn 50 giảng viên đứng lớp và hàng ngàn sinh viên các hệ đào tạo theo học. Trong thời kì này, mỗi năm Khoa cử nhiều giảng viên đi nâng cao trình độ và 30 đến 40 sinh viên đi học chuyển tiếp năm thứ 3 ở các trường Đại học tại Liên Xô. Đồng thời tại Khoa cũng thường xuyên có các chuyên gia Liên Xô đến giảng dạy.

Cuối thập kỉ 80 - đầu thập kỉ 90 của thế kỉ trước, là giai đoạn đặc biệt khó khăn đối với Khoa trong việc dạy-học. Việc Liên Xô tan rã, sự hạn chế tối đa phạm vi dạy - học tiếng Nga ở hàng loạt các trường phổ thông, nhu cầu tiếp cận với các ngôn ngữ khác (Anh, Trung, Nhật, …), cùng với hàng loạt các khó khăn kinh tế - xã hội khách quan khác đã trực tiếp có ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp cũng như ngoại ngữ từ phía các thí sinh thi vào các trường đại học – cao đẳng trong cả nước.

Trong bối cảnh tiếng Nga tạm thời kém hấp dẫn hơn, Khoa Tiếng Nga quyết định tiến hành hàng loạt các biện pháp đặc biệt để thu hút người học đến với Khoa. Bắt đầu từ năm học 1992 – 1993, Khoa thực hiện việc đào tạo song ngữ Nga – Anh. Sinh viên tốt nghiệp được nhận bằng Cử nhân Đại học Sư phạm tiếng Nga và bằng Cử nhân Cao đẳng Sư phạm tiếng Anh. Từ đây, sinh viên có thể học liên thông chuyển tiếp để lấy bằng Cử nhân Đại học Tiếng Anh của Trường hoặc tại các đại học ngoại ngữ khác.

Năm học 2003 – 2004, Khoa Tiếng Nga còn mở chuyên ngành đào tạo mới – Đào tạo Cử nhân Nga ngữ không nghiệp vụ sư phạm (biên – phiên dịch). Và từ năm học 2006 – 2007 có hệ đào tạo Song ngữ Nga – Anh không nghiệp vụ sư phạm. Quyết định này là hoàn toàn phù hợp với khuynh hướng mới trong việc đào tạo của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Hình thức đào tạo này đã đáp ứng được nhu cầu học tiếng trong xã hội, thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng từ phía người học.
Kể từ khi thành lập đến nay, Khoa Tiếng Nga đã đào tạo hàng ngàn cử nhân đại học chuyên ngữ tiếng Nga và cao đẳng tiếng Anh cho các tỉnh, thành phía Nam và cả nước. Sinh viên tốt nghiệp từ Khoa đều có thể thích nghi với những yêu cầu và đòi hỏi của xã hội.
Hiện tại, Khoa Tiếng Nga có hơn 200 sinh viên đang theo học ở các hệ cùng với 26 giảng viên và công chức đang làm việc (tháng 10/2006). Khoa có 01 tiến sĩ, 10 thạc sĩ, trong đó 4 cán bộ giảng dạy có 2 bằng thạc sĩ tiếng Nga và tiếng Anh, 2 nghiên cứu sinh và 2 Cao học, 19 cán bộ giảng dạy có bằng cử nhân ngữ 2 (tiếng Anh). Các thầy cô tụ hội về làm việc trong Khoa từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau (từ các trường Đại học của Liên Xô, của Hà Nội và của chính Khoa Tiếng Nga Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh). Khoa bao gồm 5 tổ bộ môn: Tổ thực hành tiếng 1 (8 Cán bộ giảng dạy Tổ THT 1: 1 CBGD sẽ nghỉ hưu vào đầu năm 2007), Tổ Thực hành tiếng 2 (6 Cán bộ giảng dạy), Tổ Chuyên ngành (6 Cán bộ giảng dạy), Tổ Phương pháp giảng dạy Nga–Anh (4 Cán bộ giảng dạy), và Tổ Tiếng Anh là các cán bộ giảng dạy Khoa Tiếng Anh của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh sang hỗ trợ giảng dạy và 2 nhân viên văn phòng là các sinh viên tốt nghiệp tại Khoa được giữ lại.
Cùng với sự phát triển của Nhà trường, Khoa Tiếng Nga cũng đang từng bước được củng cố và phát triển. Trong những năm gần đây, Khoa đã tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác với Viện Quốc gia Tiếng Nga mang tên A.S.Pushkin như: gửi giảng viên của Khoa sang thực tập nâng cao trình độ tại Viện cũng như tiếp nhận các chuyên gia từ Viện sang làm việc tại Khoa; mở rộng quan hệ giao lưu với chuyên gia Nga tại Làng Nga thành phố Vũng Tàu, v.v...  
Mặc dù đã và đang còn muôn vàn khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, tập thể sư phạm Khoa Tiếng Nga Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn trung thành và tin tưởng vào sự nghiệp cũng như sự lựa chọn của mình; vẫn đầy tâm huyết và gắn bó với ngôn ngữ đất nước của Lênin và Cách mạng tháng Mười, của dòng Volga hùng vĩ, của những cánh rừng bạch dương và đồng lúa mì vô tận; với một ngôn ngữ thấm đậm tính cách Nga, tâm hồn Nga!