Khoa Giáo dục Đặc biệt PDF. In Email
Thứ tư, 21 Tháng 9 2011 14:17

Khoa Giáo dục Đặc biệt - Trường Đại học Sư phạm TP.HCMNgày 06/3/2003, Bộ môn Giáo dục Đặc biệt được thành lập. Ngành Giáo dục Đặc biệt ra đời đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật đang rất thiếu, góp phần đáp ứng được chủ trương giáo dục đặc biệt – giáo dục hòa nhập của Đảng và Chính phủ cũng như của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ môn có 3 chuyên ngành đào tạo: Khiếm thính, Khiếm thị và Chậm phát triển trí tuệ. Mỗi năm Bộ môn đào tạo 1 chuyên ngành. Từ năm học 2006 – 2007 trở đi, chương trình đào tạo sẽ theo hướng giáo dục hòa nhập, nghĩa là người học sẽ được trang bị kiến thức về giáo dục trẻ khuyết tật nói chung và cách thức hỗ trợ trẻ các loại tật. Người học sẽ tiếp cận chương trình học tập theo vấn đề mà mọi loại tật đều cần giải quyết, như cách đánh giá trẻ khuyết tật, cách thực hiện can thiệp sớm - giáo dục sớm, cách xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân. Bên cạnh đó, chương trình còn cung cấp kiến thức sâu hơn về một loại tật; đảm bảo cho người học sau này có thể làm việc trong môi trường hòa nhập hoặc môi trường giáo dục chuyên biệt. Đến nay Bộ môn Giáo dục Đặc biệt có 13 giảng viên và 2 nhân viên.

 

Trưởng bộ môn    :    TS. Nguyễn Thị Thanh Bình
Phó Trưởng bộ môn    :    TS. Đỗ Hạnh Nga

Một trong những hoạt động trọng tâm của Bộ môn là việc nâng cao trình độ chuyên môn. Nếu năm 2003 mới chỉ có 2 tiến sĩ và 1 thạc sĩ thì trong 3 năm qua, các giảng viên của Bộ môn Giáo dục Đặc biệt đã tích cực học tập nâng cao trình độ: 1 bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ; 4 giảng viên hoàn thành chương trình Thạc sĩ ở Anh quốc và Ấn Độ. Theo kế hoạch, đến năm 2008, Bộ môn sẽ có thêm 5 thạc sĩ, trong đó, 3 tốt nghiệp ở nước ngoài và 2 tốt nghiệp ở trong nước. Như vậy, Bộ môn sẽ có 4 tiến sĩ và 9 thạc sĩ. Ngoài ra, hằng năm, các giảng viên của Bộ môn đều tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo, CRS, VSO, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các trung tâm nghiên cứu … tổ chức.

Do giảng viên trẻ nhiều, nên Bộ môn đã đẩy mạnh hoạt động chuyên môn: tổ chức nhiều buổi bảo vệ, góp ý xây dựng đề cương bài giảng, góp ý giờ giảng thử, v.v… nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng giờ dạy cho giảng viên. Những buổi sinh hoạt với chuyên gia, báo cáo khoa học cũng thường xuyên được tổ chức.

Với dự án: Xây dựng phòng học mẫu (do Hà Lan tài trợ), Bộ môn có được 1 phòng học đầy đủ tiện nghi, thuận tiện cho việc giảng dạy theo công nghệ mới.

Công tác nghiên cứu khoa học cũng luôn được chú trọng. Một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở đã hoàn thành đúng thời hạn với kết quả Tốt. Sản phẩm của đề tài “Từ điển kí hiệu giao tiếp của người khiếm thính” đã tham dự và đoạt cúp Vàng ở cuộc thi các phần mềm công nghệ thông tin châu Á – Thái Bình Dương (Apicta) – 2005 tại Thái Lan. Một đề tài cấp Bộ vừa được nghiệm thu. Hiện nay, Bộ môn đang thực hiện 1 đề tài cấp Bộ và 2 dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Tham gia dự án Bỉ, dự án Giáo dục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi (PEDC) của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không chỉ giảng viên, mà sinh viên của Bộ môn cũng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học: Năm 2006, lần đầu tiên tham dự Hội nghị khoa học sinh viên, đề tài “Đề án xây dựng thư viện đặc biệt”  được  trao giải Nhì và được gửi tham dự ở cấp Bộ. Bên cạnh đó, Dự án “Trung tâm hỗ trợ can thiệp sớm trẻ khuyết tật” của nhóm sinh viên năm thứ 2 đã nhận được giải thưởng trong 138 dự án tham gia Đề án “Sống vì cộng đồng” do Hội đồng Anh - Báo Tuổi trẻ - Prudential đồng tổ chức. Mục tiêu của Dự án: Thiết lập một trung tâm để hỗ trợ, can thiệp sớm và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh cũng như bản thân các em.
Hoạt động công đoàn: Tuy số công đoàn viên không nhiều, năng lực còn hạn chế, song Công đoàn Bộ môn Giáo dục Đặc biệt cũng đã tham gia đầy đủ các hoạt động do Công đoàn Trường tổ chức (văn nghệ, báo chí, thể thao, …) vào dịp 20/11, 8/3, v.v…. Hằng tháng, Công đoàn tổ chức mừng sinh nhật cho các công đoàn viên, thăm viếng lúc tang gia, hiếu hỉ, …

Về sinh viên: số sinh viên  của Bộ môn chưa đến 100 em, trong đó 96% các em đến từ các tỉnh với hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, song đều chung một tấm lòng nhân ái, yêu thương trẻ. Nhiều sinh viên giỏi đã nhận được học bổng từ Trường, từ Chính phủ Nhật Bản, từ Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, … Năm học 2005 – 2006, các em đã tham gia Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm do Thành Đoàn tổ chức với sinh viên các khoa trong khối sư phạm của Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo TW 3 và đã đoạt giải Khuyến Khích. Điều này đã đem lại những hứng khởi nhất định trong quá trình phấn đấu của các em.

Để làm quen với nghề, với đối tượng sẽ giao tiếp và giảng dạy, Bộ môn đã tổ chức cho sinh viên đi thực tế sư phạm vào năm thứ 2. Hoạt động này thực sự đem lại hiệu quả tốt trong việc nhận thức về nghề nghiệp, tương lai cũng như giúp cho sinh viên những kiến thức thực tế, nhằm hiểu rõ hơn bài giảng ở Trường. Phần lớn các môn học đều có những buổi thực hành tại các trường mầm non, tiểu học hoặc được xem minh họa bằng phim, ảnh tạo sự hiểu biết phong phú cho sinh viên.

Ngoài việc tổ chức cho giảng viên đi thực tế ở các tỉnh Bến Tre, An Giang, Cần Thơ, huyện Bình Chánh, Bộ môn còn tổ chức cho sinh viên đi thực tế ở Củ Chi, Lâm Đồng, Kiên Giang. Hoạt động này giúp cho giảng viên, sinh viên có tầm nhìn sâu, rộng về tình hình giảng dạy trẻ khuyết tật ở các tỉnh phía Nam.

Hơn 3 năm, một chặng đường quá ngắn so với các khoa “đàn anh, đàn chị”, trong Trường, song với những hoạt động mang tính đặc thù, Bộ môn đã đạt được những thành công không nhỏ. Tất nhiên, phía trước, còn nhiều điều cần biết, còn lắm việc phải làm. Chúng tôi mong luôn có được sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu, của các phòng, ban để Bộ môn Giáo dục Đặc biệt tiếp tục phát triển.