Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An PDF. In Email
Thứ tư, 21 Tháng 9 2011 14:30

Trung tâm Giáo dục Trẻ Khuyết tật Thuận AnQuá trình hình thành

Trường Câm Điếc Lái Thiêu, tiền thân của Trung tâm Giáo dục Trẻ khuyết tật Thuận An được linh mục chính xứ họ đạo Lái Thiêu tên Azema thành lập năm 1886, sau khi  gửi một người điếc tên Nguyễn Văn Trường sang Pháp để học về phương pháp dùng kí hiệu ngôn ngữ điệu bộ về nước.

Năm 1903, Trung tâm được giao cho các nữ tu dòng Thánh Phaolô tiếp tục quản lí.
Năm 1975, Trung tâm được công lập hóa, đặt dưới sự quản lí của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tháng 11 năm 1995, Trung tâm được đặt dưới sự quản lí của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tháng 7 năm 1997, Trung tâm trở thành thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 11 năm 1999, Trung tâm trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với tên gọi Trung tâm Giáo dục Trẻ khuyết tật Thuận An.

Tổng quan
Trung tâm được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 16.000m² tại thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương; cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 25km về phía Bắc.

Số học sinh
Trong những ngày đầu mới thành lập, Trung tâm có 5 học sinh, sau đó số học sinh tăng dần lên. Năm học 1972 – 1973 là năm có số lượng học sinh nhiều nhất (600).
Những năm gần đây số lượng học sinh dao động trong khoảng 250 đến 300, lí do nhiều địa phương đã có trường nuôi dạy trẻ điếc.

Số cán bộ viên chức
Trung tâm có 60 cán bộ, viên chức chính thức và 8 nhân viên hợp đồng làm công tác giáo dục, hướng nghiệp, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe,... cho học sinh và trại viên điếc.

Mục đích và hoạt động
Trung tâm chuyên nuôi dưỡng và giáo dục trẻ khiếm thính theo phương thức nội trú, là cơ sở huấn luyện giáo viên chuyên ngành Khiếm thính.

  • Dạy văn hóa: Hiện nay, Trung tâm dạy trẻ theo một chương trình giáo dục cơ bản để trẻ có thể giao tiếp và hòa nhập trong cộng đồng xã hội.
  • Dạy nghề: Khi học sinh bắt đầu có một số kĩ năng đọc, viết, tính toán, các em được theo học chương trình văn hóa trong các lớp buổi sáng và được  phân chia vào các lớp hướng nghiệp để học các kĩ năng cơ bản của các nghề  thêu, may, vẽ, lọng, mộc...
  • Đào tạo: Từ năm 1994, được sự hỗ trợ của tổ chức Caritas Thụy Sĩ, Trung tâm hợp tác với Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác đào tạo giáo viên Trung học hoặc Cao đẳng Sư phạm chuyên ngành Khiếm thính cho các trường chuyên biệt và hòa nhập thuộc các tỉnh, thành của miền Trung và miền Nam. Kết quả:

Số giáo viên tốt nghiệp Trung học Sư phạm
Khóa 1994 – 1996  có 27 học viên

Số giáo viên tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm
Khóa 1996 – 1999  có 31 học viên
Khóa 1998 – 2001  có 34 học viên
Khóa 2000 – 2003  có 50 học viên
Khóa 2003 – 2006  có 53 học viên

Các hoạt động đặc biệt
Công tác can thiệp sớm
Trong hai năm gần đây, nhờ vào ý thức của phụ huynh, thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng, sự trang bị máy phát hiện sớm tật khiếm thính ở bệnh viện Tai - Mũi -  Họng và Bệnh viện Nhi đồng I..., số lượng trẻ nhỏ dưới 6 tuổi đến Trung tâm xin hỗ trợ sớm hơn và nhiều hơn (40 em theo danh sách lập vào hè 2006). Gia đình trẻ được tư vấn hàng tuần tại Trung tâm. Hiệu quả của việc giúp đỡ sớm cũng rõ ràng hơn. Chất lượng lời nói của trẻ cũng tốt hơn.

Chương trình huấn luyện giáo viên tại chỗ
Từ mối quan hệ gắn bó lâu dài với Ủy ban II Hà Lan và Viện khiếm thính Viataal Hà Lan, Trung tâm đã mời được những chuyên gia trong ngành Giáo dục trẻ Khiếm thính đến huấn luyện các giáo viên của Trung tâm trực tiếp tại cơ sở. Chương trình “cầm tay chỉ việc” này, đã thực sự nâng cao tay nghề của một số giáo viên của Trung tâm.

Các phương pháp giáo dục: Trong quá trình phát triển,  Trung tâm đã sử dụng những phương pháp sau

  • Phương pháp thuần dùng ngôn ngữ kí hiệu

Được áp dụng trong giai đoạn 1886-1936, đến năm 1936, Trung tâm chú ý nhiều hơn việc cung cấp chữ viết cho học sinh.

  • Phương pháp hỗn hợp

Được áp dụng trong giai đoạn 1970-1989; ban đầu là phương pháp trực tiếp, chú trọng đến việc sửa tật phát âm dựa trên vị trí và phương thức cấu âm.  Sau đó nghiêng nhiều qua phương pháp hỗn hợp trong giao tiếp có nghĩa là dùng cả hình môi lẫn kí hiệu quy ước.

  • Phương pháp nghe nói

Được áp dụng từ năm 1989 đến nay, do Viện khiếm thính Viataal và Uỷ ban II Hà Lan giới thiệu.
Phương pháp này mô phỏng theo cách học nói của con người và đặt việc hội thoại làm trung tâm.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hành và nghiên cứu, Trung tâm nhận ra  phương pháp nghe nói sẽ đem lại hiệu quả tốt khi hội đủ các yếu tố được chọn lọc kĩ càng  về khả năng của giáo viên, sự phát hiện tật điếc thật sớm (0-2 tuổi), sự hỗ trợ hữu hiệu của máy móc, kĩ thuật, sự cộng tác có ý thức của phụ huynh, hệ thống thần kinh và thể lí của trẻ, môi trường v.v....  Từ đó, Trung tâm đưa ra hai đường hướng:

Đường hướng sử dụng giao tiếp tổng hợp

  • Dành cho các học sinh lớn hoặc các học sinh đến trường trễ.
  • Đường hướng sử dụng ngôn ngữ nói trong giao tiếp:
  • Dành cho các học sinh đã tham dự chương trình can thiệp sớm hoặc các học sinh đến trường sớm (trước 5 tuổi).

Phương hướng
Trung tâm sẽ đầu tư nhiều hơn cho việc giúp đỡ trẻ từ 0 đến 5 tuổi trong chương trình can thiệp sớm làm nền cho việc giáo dục trẻ ở bậc Tiểu học.
Trung tâm tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để mời các chuyên gia đến tiếp tục huấn luyện giáo viên tại chỗ, nâng cao trình độ của giáo viên để đáp ứng nhu cầu thực hành của Bộ môn Giáo dục Đặc biệt Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặt khác, Trung tâm cũng đang từng bước mở các lớp Trung học cơ sở cho các em đã học xong chương trình Tiểu học có khả năng và có nguyện vọng học lên cao hơn.

Thành tích cá nhân và tập thể
Thành tích tập thể

  • Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 1994.
  • Huân chương Lao động hạng Ba năm 2001.
  • Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2004.
  • Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2005.
  • Bằng khen đơn vị có phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc do Sở Công an tỉnh Bình Dương tặng các năm 2002, 2003, 2004, 2005.
  • Cờ thi đua Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền 2001 – 2005 do Đảng bộ tỉnh Bình Dương tặng.
  • Cờ thi đua Tổ chức Công đoàn vững mạnh xuất sắc năm 2003 do Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tặng.
  • Cờ thi đua Tổ chức Công đoàn có phong trào thi đua toàn diện khá nhất năm 2004 do Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương tặng.
  • Năm 2006 đã đề nghị tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thành tích cá nhân

  • Danh hiệu Nhà giáo ưu tú 02 đồng chí:

Năm 1999     01 đồng chí;
Năm 2002     01 đồng chí.

  • Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo 02 đồng chí năm 2004.
  • Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo 01 đồng chí năm 2005.
  • Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Trường 01 đồng chí năm 2002.
  • Bằng khen của Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương cấp 01 đồng chí năm 2005.
  • Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cấp:

Năm 2000     03 đồng chí.
Năm 2001     01 đồng chí.
Năm 2002     02 đồng chí.
Năm 2003     01 đồng chí.
Năm 2004     02 đồng chí.
Năm 2005     02 đồng chí.

  • Năm 2006 đề nghị cấp Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 04 đồng chí.