Phổ biến giáo dục pháp luật
  

Breadcrumb cho trang

Trang chủ Giáo dục pháp luật trong nhà trường Kế hoạch số 5068/KH-BTP-BGDĐT khảo sát, đánh giá tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật trong các trường trung học
Kế hoạch số 5068/KH-BTP-BGDĐT khảo sát, đánh giá tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật trong các trường trung học

KẾ HOẠCH PHỐI HỢP

Khảo sát, đánh giá tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật;
tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật trong các trường trung học

Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” ban hành kèm theo Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch phối hợp khảo sát, đánh giá tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông (gọi chung là các trường trung học) với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích

  • Đánh giá thực trạng và hiệu quả các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tài liệu tập huấn; tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật trong các trường trung học.
  • Xác định, phân loại hệ thống tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật theo nhóm đối tượng.
  • Đề xuất xây dựng các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật cần thiết và phù hợp trong các trường trung học.

2. Yêu cầu

  • Khảo sát, đánh giá có hệ thống và toàn diện các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; các tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật hiện đang được sử dụng trong các trường trung học;
  • Khảo sát, đánh giá trực tiếp tại một số trường trung học, một số cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan tư pháp thuộc những vùng miền khác nhau trên phạm vi cả nước.

II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC KHẢO SÁT, ĐÁNH GIÁ
1. Nội dung khảo sát, đánh giá
a) Hệ thống các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tài liệu phục vụ dạy và học pháp luật hiện đang được sử dụng trong các trường trung học

  • Các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật: tài liệu pháp luật chuyên đề; sách hỏi đáp, sách pháp luật phổ thông, văn bản quy phạm pháp luật; đề cương tuyên truyền pháp luật; báo, tạp chí chuyên về pháp luật; tờ rơi, tờ gấp; băng, đĩa và các tài liệu khác;
  • Các tài liệu phục vụ dạy và học pháp luật dùng cho giáo viên, học sinh theo từng cấp học.
  • Các tài liệu tập huấn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

b) Cách thức khai thác, sử dụng tài liệu, thiết bị phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh; phục vụ việc dạy và học pháp luật trong các trường trung học;

c) Tình hình quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật trong thư viện của các nhà trường

  • Các bộ phận sách, báo pháp luật có trong Tủ sách;
  • Thực trạng khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật của cán bộ, giáo viên, học sinh.
  • Hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan tư pháp về việc quản lý, khai thác, sử dụng tủ sách;

d) Nguồn cung cấp tài liệu, kinh phí phục vụ việc mua, cập nhật tài liệu.

đ) Đánh giá tác động, hiệu quả của hệ thống tài liệu, của tủ sách pháp luật

  • Đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh;
  • Đối với việc dạy và học pháp luật trong các trường trung học;
  • Đối với việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của học sinh.

e) Nhu cầu về tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật trong các trường trung học

2. Hình thức khảo sát, đánh giá

  • Khảo sát thực tế (trực tiếp và qua phiếu).
  • Rà soát, đánh giá một số tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật trong nhà trường.
  • Thu thập thông tin, số liệu qua báo cáo của địa phương.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Khảo sát trực tiếp

a) Địa điểm khảo sát: các tỉnh Thanh Hóa, Hà Giang, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Tây Ninh.
Tại mỗi địa phương, Đoàn khảo sát làm việc với đại diện Sở Tư pháp, Sở Giáo dục – Đào tạo; Phòng Tư pháp, Phòng Giáo dục cấp huyện để nắm thông tin qua báo cáo và trao đổi trực tiếp; tiến hành khảo sát thực tế tại 02 trường Trung học cơ sở, 02 trường Trung học phổ thông.

b) Thành phần đoàn khảo sát: gồm đại diện lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên thuộc Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp); Vụ Pháp chế, Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

c) Thời gian thực hiện: trong tháng 10 và 11 năm 2012.

d) Phân công trách nhiệm:

  • Bộ Tư pháp chủ trì khảo sát trực tiếp tại 2 tỉnh: Thanh Hóa, Hà Giang.
  • Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khảo sát trực tiếp tại 3 tỉnh: Bắc Ninh, Đắk Lắk, Tây Ninh.
  • Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thuộc phạm vi khảo sát trực tiếp theo Kế hoạch này xây dựng báo cáo phục vụ hoạt động khảo sát theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Khảo sát qua phiếu
a) Phối hợp xây dựng 5 mẫu Phiếu khảo sát về thực trạng tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật trong các trường trung học, gồm:

  • Mẫu 1: khảo sát đối với cán bộ quản lý giáo dục cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ tư pháp theo dõi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh.
  • Mẫu 2, Mẫu 3: khảo sát đối với giáo viên dạy môn Giáo dục công dân cấp Trung học.
  • Mẫu 4, Mẫu 5: khảo sát đối với học sinh cấp Trung học.

b) Số lượng phiếu và phạm vi gửi phiếu:

  • Tổng cộng số lượng phiếu (5 mẫu) là 1200 phiếu.
  • Mẫu 1: gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Phòng Giáo dục và Đào tạo.
  • Mẫu 2, 3, 4 và 5: gửi trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

c) Địa điểm gửi phiếu khảo sát:

Phiếu khảo sát được gửi đến 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm:

  • Miền Bắc: Thành phố Hà Nội, Hà Nam, Lào Cai, Yên Bái.
  • Miền Trung và Tây Nguyên: Nghệ An, Quảng Nam, Đắk Nông, Bình Định.
  • Miền Nam: Đồng Nai, An Giang, Long An, Đồng Tháp.

d) Thời gian thực hiện: hoàn thành trước 31/10/2012.

đ) Phân công trách nhiệm:

  • Bộ Tư pháp chủ trì việc xây dựng mẫu phiếu, gửi phiếu và xử lý số liệu khảo sát qua phiếu; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Báo cáo tổng hợp chung.
  • Sở Tư pháp các tỉnh phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc phạm vi  khảo sát qua phiếu triển khai các công việc phục vụ hoạt động khảo sát theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp.


2. Rà soát, đánh giá trực tiếp một số tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật trong nhà trường
a) Các hoạt động:

  • Thu thập các tài liệu phục vụ dạy và học pháp luật dùng cho giáo viên, học sinh, tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học môn Giáo dục công dân từ lớp 6 đến lớp 12.
  • Xây dựng tiêu chí rà soát, đánh giá tài liệu.
  • Tiến hành rà soát tài liệu.Xây dựng báo cáo rà soát, đánh giá tài liệu.

b) Thời gian thực hiện: hoàn thành trước 31/10/2012.

c) Phân công trách nhiệm:

  • Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì việc thu thập các tài liệu, phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng tiêu chí rà soát, đánh giá tài liệu.
  • Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát, đánh giá tài liệu, xây dựng báo cáo rà soát, đánh giá tài liệu thực hiện.


3. Xây dựng Báo cáo tổng thuật kết quả khảo sát, đánh giá
a) Các hoạt động:

  • Thu thập, xử lý thông tin, số liệu qua Báo cáo của các địa phương.
  • Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế, rà soát tài liệu, thu thập thông tin, số liệu, xây dựng Báo cáo tổng thuật kết quả khảo sát, đánh giá; xác định, phân loại hệ thống tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật theo nhóm đối tượng. Đề xuất xây dựng các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật cần thiết và phù hợp trong các trường trung học.

b) Thời gian thực hiện: hoàn thành tháng 12/2012.

c) Phân công trách nhiệm: Bộ Tư pháp chủ trì, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp thực hiện

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở nội dung Kế hoạch này, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thu thập tài liệu, tổ chức rà soát và xây dựng Báo cáo đánh giá về thực trạng tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tài liệu tham khảo phục vụ dạy và học pháp luật; tình hình quản lý, khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật trong các trường trung học tại địa phương, đề xuất về các loại tài liệu cần xây dựng, biên soạn phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường gửi Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/10/2012.

2. Giao Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Bộ Tư pháp và Vụ Pháp chế thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối phối hợp, giúp lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

3. Việc lập dự toán, bố trí kinh phí triển khai kế hoạch được thực hiện theo Thông tư số 73/2010/TT-BTC-BTP ngày 14/3/2010 của liên Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tải file đính kèm.