280 An Dương Vương, Phường 4, Quận 5, TP.HCM
ĐT: (+84) - (8) - 38352020 - Fax: (+84) - (8) - 38398946
  
Phòng Công tác Chính trị và Học sinh, sinh viên
CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI VỚI VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC Ở LIÊN XÔ PDF. In Email
Thứ sáu, 10 Tháng 11 2017 14:32

 

PGS.TS. Ngô Minh Oanh

Cách đây 100 năm trên đất nước của Lê nin vĩ đại, một cuộc cách mạng đã tấn công vào thành trì của chủ nghĩa đế quốc, đập tan chế độ Nga hoàng, thành lập nên chính quyền vô sản đầu tiên trên thế giới. Các dân tộc không phải Nga được cách mạng mở đường đã vùng lên thực hiện một cuộc đổi đời thực sự, thoát ra khỏi ách áp bức của chế độ Nga hoàng.

Sau cách mạng, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết ra đời (12-1922) và ngày càng được củng cố trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện của các dân tộc đã chứng minh một cách hùng hồn sự đúng đắn của chính sách dân tộc của Lê nin và Đảng cộng sản Liên Xô, chứng minh hùng hồn sức sống và tính ưu việt của một quốc gia đa dân tộc cùng tồn tại bình đẳng và cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi của sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê nin về vấn đề dân tộc vào hoàn cảnh cụ thể của Liên Xô – một đất nước có trên 100 dân tộc.

Ngay từ những năm trước khi cách mạng tháng Mười bùng nổ, Đảng Bôn-sê-vích Nga đã từng bước xây dựng và thực hiện một cương lĩnh dân tộc đúng đắn. Trong bản dự thảo cương lĩnh của xã hội dân chủ Nga (1895), Lê nin đã nêu ra đòi hỏi “Tất cả các dân tộc đều bình đẳng”. Vấn đề dân tộc đã được ghi vào cương lĩnh đầu tiên của Đảng, được thông qua tại đại hội lần thứ 2 của Đảng năm 1903. Lê nin cũng đã đề cập đến vấn đề này trong hơn 60 tác phẩm. Nội dung cơ bản của cương lĩnh dân tộc như Lê nin chỉ ra là: “Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng, các dân tộc được quyền tự quyết, liên hiệp công nhân các dân tộc lại”.

Năm 1914, khi vấn đề dân tộc tự quyết trở thành một vấn đề tranh luận ở trong Đảng, Lê nin đã vạch rõ những đặc điểm của tình hình nước Nga, đã chỉ rõ sai lầm của chủ trương “quyền dân tộc tự quyết về văn hóa”. Về thực tiễn chính trường, nó đã phủ nhận quyền dân tộc tự quyết, tức là quyền tự do phân lập của các dân tộc thành các quốc gia khác nhau. Lê nin đã đi sâu vào nội dung sinh động của quyền dân tộc tự quyết chứ không nêu nó lên như một khẩu hiệu suông. Theo Lê nin, đối với nước Nga lúc đó, cũng như đối với tất cả các nước chưa hoàn thành những cuộc cải tạo dân chủ tư sản mà Đảng vô sản độc lập đã được xuất hiện thì chính sách của Đảng phải có 2 mặt:

1/. Thừa nhận quyền tự quyết của tất cả các dân tộc;

2/. Liên minh chặt chẽ nhất, keo sơn nhất trong cuộc đấu tranh giai cấp, giữa những người vô sản, tất cả các dân tộc của một quốc gia nhất định trong tất cả những biến cố lịch sử của quốc gia đó.

Cương lĩnh dân tộc của Đảng Bôn-sê-vích Nga đã động viên các dân tộc góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc cách mạng XHCN tháng Mười và là cơ sở để xây dựng chính sách dân tộc trong giai đoạn tiếp theo. Cách mạng XHCN tháng Mười thắng lợi cho phép thực hiện triệt để cương lĩnh dân tộc của Đảng.

Cách mạng tháng Mười đã xóa bỏ hoàn toàn ách áp bức bóc lột và sự bất bình đẳng giữa các dân tộc. Ngày 02-11-1917 (theo lịch sử) Chính phủ tuyên bố bản “Tuyên ngôn về quyền các dân tộc ở nước Nga” quy định về mặt luật pháp sự phát triển tự do và quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Tháng 12 năm đó chính phủ thừa nhận quyền dân tộc độc lập của Phần Lan và Ucraina, được công nhân các dân tộc hoan nghênh. Việc thừa nhận quyền tách ra khỏi nước Nga của Phần Lan và Ucraina đã cho thấy sự đúng đắn của chủ trương về quyền dân tộc tự quyết bao gồm cả tự do phân lập lẫn tự do liên kết.

Cho đến tháng 3-1919, chính quyền Xô viết còn được thành lập ở Bêlarútxia, Extônia, một phần Lítva, Crưm, Môndôvia, Bacu, phần lớn Cadắcxtan cùng các dân tộc Tuốckêxtan.

Trước sự phản kích điên cuồng của bọn phản cách mạng ở trong và ngoài nước đã khiến các lực lượng cách mạng tự nguyện liên kết lại với nhau. Chính quyền Xô viết công nông non trẻ tại các nước tự thấy sự cần thiết phải liên kết với nước Nga Xô viết để cùng chống kẻ thù chung và xã hội đất nước trong tương lai.

Nhưng liên kết theo hình thức nào? Lúc đầu đã có ý kiến đơn giản hóa vấn đề bằng cách luôn liên kết tất cả các dân tộc khác nhau trong Liên bang Nga. Lê nin đã hoàn toàn phản đối và chủ trương hình thức liên bang giữa các nước Xô viết Cộng hòa bình đẳng. Thể theo nguyện vọng của công nông các nước, ngày 30-12-1922, giải pháp đúng đắn nhất đã được tìm ra: hợp nhất một cách tự nguyện tất cả các dân tộc người trong nước vào Liên bang Xô viết. Liên bang CHXHCN Xô viết ra đời là kết quả của quá trình cụ thể hóa cương lĩnh dân tộc của Đảng, đáp ứng những đòi hỏi khách quan. Liên bang này là hình thức tổ chức Nhà nước hợp lý trong một quốc gia đa dân tộc, gồm các nước cộng hòa liên bang và tự trườngị đảm bảo cho các dân tộc bình đẳng trong thực tế - vấn đề chưa từng được đặt ra trong lịch sử loài người.

Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Liên Xô (1923) nêu rõ: Cùng với sự bình đẳng về pháp luật và chính trị, còn cần phải thực hiện sự bình đẳng về thực tế mà thực chất của nó là khắc phục trong thời gian lịch sử ngắn nhất sự lạc hậu về kinh tế và văn hóa của các dân tộc trước đây thuộc đế quốc Nga. Nhiệm vụ đó chỉ có thể là kết quả của công cuộc cải tạo XHCN toàn diện và sâu sắc. Đại hội cũng chỉ ra sự cần thiết thành lập trong các nước cộng hòa những trung tâm công nghiệp với sự thu hút nhiều nhất dân cư địa phương. Lê nin đã chỉ rằng: “Các tư tưởng gia tư sản thường bàn luận về vấn đề dân tộc … mà không nói đến sự giải phóng kinh tế, trên thực tế, sự giải phóng kinh tế lại là điều chủ yếu”.

Nhiều công trường công nghiệp đã xây dựng ở Cadắcxtan, Trung Á … nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế ở các nước cộng hòa. Phần lớn những công trình xây dựng trước năm 1930 gắn liền với công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhằm đáp ứng yêu cầu của toàn liên bang, động viên được nguồn dự trườngữ và khả năng những nước này.

Việc tập thể hóa nông nghiệp ở các nước cũng là một bộ phận hợp thành công cuộc cải tạo XHCN toàn diện theo những đặc điểm riêng về trình độ, nhịp độ, hình thức … Công cuộc tập thể hóa ở Liên Xô lúc đầu thông qua những cải cách dân chủ cách mạng nhằm xóa bỏ các quan hệ phong kiến gia trưởng, đưa nông dân các dân tộc vào con đường làm ăn tập thể, phấn đấu xóa bỏ dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị, giữa các nước liên bang. Cách mạng văn hóa mở ra con đường cho quần chúng lao động các dân tộc đạt tới đỉnh cao của khoa học, tới những thành tựu cao của văn học nghệ thuật trên thế giới. Trước cách mạng, số người ở Trung Á và Cadắcxtan biết chữ không quá 2 – 8%. Những vùng này trước đây chưa từng có trường đại học nào, nay đã có 126 trường đại học với 730 ngàn sinh viên, gần 50 dân tộc đã có chữ viết riêng của mình. Cùng với việc xây dựng chữ viết cho các dân tộc, tiếng Nga được phổ biến một cách rộng rãi và sử dụng một cách tự nguyện.

Văn học nghệ thuật có nội dung XHCN và hình thức dân tộc được phát triển. Đảng và Nhà nước Xô viết tiến hành công tác giáo dục tư tưởng XHCN khắc phục những tàn dư của quá khứ trong hành vi và ý thức của con người.

Công cuộc cải tạo XHCN toàn diện và sâu sắc đã đưa đến những biến đổi to lớn về cơ cấu xã hội ở các nước cộng hòa trong liên bang. Giai cấp công nhân đã hình thành và vai trò lãnh đạo ngày càng được củng cố.

Tháng 6 -1941, bọn phát xít Đức đã điên cuồng tấn công Liên Xô. Đây là một thử thách to lớn đối với chế độ XHCN và nhân dân các dân tộc Liên Xô. Thắng lợi của nhân dân các dân tộc ở Liên xô trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc vĩ đại và chứng minh hùng hồn tính ưu việt của chế độ XHCN, cũng như sự đúng đắn của chính sách dân tộc Lêninnít.

Đảng và Chính phủ Liên Xô đề ra các nhiệm vụ lịch sử, phát triển mối quan hệ giữa các dân tộc, hòa hợp toàn diện các dân tộc trong những điều kiện của CNXH có tính đến quyền lợi của mỗi dân tộc trong đại gia đình Xô viết. Những con đường cơ bản của sự vận động của nhân dân Liên Xô mà Lê nin đã chỉ ra là đi tới sự thống nhất đầy đủ hơn, tới sự hòa nhập khăng khít hơn của các dân tộc và hộ tộc.

Trong các Nghị quyết của Đảng cộng sản Liên xô đã chỉ rõ: “Trung thành với những nguyên tắc Lêninnít trong chính sách dân tộc của mình, cả về sau này, Đảng Cộng sản Liên xô sẽ không ngừng củng cố tinh thần hữu nghị anh em giữa các dân tộc trên đất nước chúng ta, giáo dục nhân dân lao động trên tinh thần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế, phải đặc biệt biểu lộ thái độ tế nhị và thận trọng trong mọi vấn đề có liên quan tới việc phát triển mối quan hệ giữa các dân tộc, đụng đến lợi ích của một dân tộc lớn nhỏ nào đó, tình cảm dân tộc của nhân dân, phải giải quyết kịp thời mọi xuất hiện trong lĩnh vực này, tiến hành cuộc đấu tranh có tính nguyên tắc chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa vô danh và chủ nghĩa địa phương”.

Ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn của việc giải quyết vấn đề dân tộc ở Liên Xô là ở chỗ: nó đưa đến việc xóa bỏ ách áp bức và chia rẽ dân tộc trên 1/6 địa cầu. Ở đây tình hữu nghị giữa các dân tộc ngày càng được củng cố, mở ra khả năng thực tế cho việc phục hưng dân tộc và giải phóng về mặt xã hội tất cả các dân tộc lạc hậu về kinh tế, đem lại sự hùng mạnh của nhà nước đa dân tộc Liên Xô ngày càng ảnh hưởng tốt đến tình hình quốc tế.

Mặt khác cũng không kém phần quan trọng là ảnh hưởng có tính gương mẫu của việc thực hiện chính sách dân tộc ở Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi Liên Xô là “tấm gương vĩ đại về quốc gia XHCN nhiều dân tộc, dựa trên tinh thần hữu nghị, lòng tin cậy lẫn nhau và hợp tác giữa các dân tộc”. Người nói: “Kinh nghiệm của cách mạng tháng Mười là những thành tựu của nhà nước Liên Xô là ngôi sao dẫn đường cho chúng tôi”.

Tài liệu tham khảo

  1. Lê-nin, Toàn tập - Tập 27, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, trang 62.
  2. Lê-nin, Toàn tập – Tập 25, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, trang 350, bản tiếng Việt.
  3. Lê-nin, Toàn tập – Tập 2, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, trang 230.
  4. Nghị quyết Đại hội 27 – ĐCS Liên Xô, phụ trương Liên Xô ngày nay, số 4-1986.
  5. Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980.
 



bogddt hethongvb tuyensinh_thi diendan hanhchinh giaotrinhdt taignuyengd
Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật
Cẩm nang điện tử & Thi Tuyển Sinh Diễn Đàn Giáo Dục Thủ Tục Hành Chính Trong Giáo Dục Giáo Trình Điện Tử Tài Nguyên Giáo Dục Và Học Liệu