280 An Dương Vương, Phường 4, Quận 5, TP.HCM
ĐT: (+84) - (8) - 38352020 - Fax: (+84) - (8) - 38398946
  
Phòng Công tác Chính trị và Học sinh, sinh viên
Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 PDF. In Email
Thứ ba, 30 Tháng 1 2018 17:23


Biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường

 

Phạm Phú Bình

Xuân Mậu Tuất 2018 đã về cũng là lúc nhân dân ta kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Cuộc Tổng tiến công này là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của dân tộc ta; là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Đế quốc Mĩ, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi.

Sau 10 năm (1954-1964), Mĩ thế chân Pháp nhảy vào miền Nam Việt Nam và sau bốn năm (1961-1964) tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, mặc dù đã bỏ ra nhiều tiền của và công sức, thi hành nhiều thủ đoạn và biện pháp, nhưng phía Mĩ vẫn không dập tắt được phong trào cách mạng miền Nam. Từ năm 1964 Đến đầu năm 1965, cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào, chiến sĩ ở miền Nam phát triển nhanh chóng, thu được những thắng lợi ngày càng to lớn, khiến cho chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Đế quốc Mĩ bị thất bại nghiêm trọng. Trước tình hình ấy, Đế quốc Mĩ chuyển sang thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân Mĩ và chư hầu vào miền Nam; đồng thời, mở rộng hoạt động không quân và hải quân, ném bom bắn phá miền Bắc để gây áp lực hòng làm giảm sự chi viện về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trên miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mĩ từng bước được mở rộng về quy mô, gia tăng về cường độ và gắn bó chặt chẽ với nhịp độ chiến tranh trên bộ ở miền Nam.

Tháng 12-1965, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12, khoá III hạ quyết tâm chiến lược: "Động viên lực lượng của cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mĩ trong bất kì tình huống nào"; xác định phương châm chiến lược chung: "Trên cơ sở đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, cần tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam".

Bằng sức mạnh của chính nghĩa, quân và dân miền Nam đã làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của Mĩ - ngụy. Hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định" bị bẻ gãy. Mục tiêu mà Mĩ đề ra chẳng những không thực hiện được mà còn chịu tổn thất nặng cả về sinh lực và phương tiện chiến tranh, làm cho thế trận của địch nao núng, tinh thần quân địch sút kém, hàng ngũ địch thêm mâu thuẫn. Trong lúc đó, chúng ta vẫn giữ vững quyền chủ động chiến lược trên chiến trường miền Nam, vùng giải phóng được củng cố. Chiến công của quân và dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc, cùng với khí thế phong trào đấu tranh của quần chúng dâng cao đã làm xuất hiện tình thế mới trên chiến trường có lợi cho ta.

Tháng 12-1967, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân và dân ta, chủ trương chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kì mới và quyết định mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, nhiệm vụ cấp bách của ta trong thời kì mới là động viên, tạo sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.

Đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, quân ta tiến công đồng loạt trên khắp chiến trường miền Nam. Bị tiến công đồng loạt, bất ngờ, ngay từ phút đầu nổ súng, biệt động ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu quy định: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hoà, Bộ Tư lệnh Hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, toà Đại sứ Mĩ. Trận đánh toà Đại sứ Mĩ hơn 6 tiếng đồng hồ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mĩ đã gây một tiếng vang lớn làm chấn động nước Mĩ.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mĩ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Chúng ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, trong đó có 4 vạn quân Mĩ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân. Tại thành phố Huế, quân ta đánh chiếm 39 mục tiêu quan trọng, giải phóng thành phố và chiếm giữ suốt 25 ngày đêm.

Bằng cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt, táo bạo, dũng mãnh, nhằm vào đô thị trên toàn miền Nam, quân và dân ta đã đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Đế quốc Mĩ, buộc chúng phải đơn phương “xuống thang chiến tranh”, khởi đầu cho một quá trình đi xuống về mặt chiến lược. Quá trình đó là không thể đảo ngược cho dù phải 5 năm sau Mĩ mới rút hết quân ra khỏi miền Nam và phải 7 năm sau chế độ Sài Gòn mới sụp đổ, nhưng về mặt chiến lược, Mĩ đã thua cuộc từ mùa xuân năm 1968.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tiếp tục đưa sự nghiệp kháng chiến tiến lên theo phương hướng chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong Thư chúc Tết năm 1969; " độc lập, vì tự do; đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào ". Thắng lợi đó đã tạo được bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mĩ, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng, làm rung chuyển cả nước Mĩ và chấn động dư luận thế giới, làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mĩ. Nó là một trong những nguyên nhân quyết định Mĩ phải chấp nhận đàm phán việc kí kết Hiệp định Paris năm 1973 và là tiền đề cho sự toàn thắng của cuộc tổng tiến công năm 1975, giải phóng miền Nam và thống nhất hoàn toàn đất nước. Có thể nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này cho tới tận hôm nay đã trở thành biểu tượng của ý chí tiến công và lòng quả cảm của người Việt Nam.

Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta: nghệ thuật nắm bắt thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”, lấy trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mĩ.

Nửa thế kỉ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vẹn nguyên giá trị: Đó là khát vọng về độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả.

 



bogddt hethongvb tuyensinh_thi diendan hanhchinh giaotrinhdt taignuyengd
Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật
Cẩm nang điện tử & Thi Tuyển Sinh Diễn Đàn Giáo Dục Thủ Tục Hành Chính Trong Giáo Dục Giáo Trình Điện Tử Tài Nguyên Giáo Dục Và Học Liệu