Vietnamese-VNFrench (Fr)简体中文English (United Kingdom)

Khoa Nga
 

 

RA MẮT CHI HỘI VIỆT-NGA 22-3-2013

Trang Chủ NCKH GIẢNG VIÊN Bài viết: PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG NÓI TRONG LỚP NGOẠI NGỮ CÓ ĐÔNG HỌC VIÊN
Bài viết: PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG NÓI TRONG LỚP NGOẠI NGỮ CÓ ĐÔNG HỌC VIÊN PDF. In Email
Thứ tư, 29 Tháng 2 2012 22:03

PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG NÓI TRONG LỚP ĐÔNG

ThS Đỗ Thị Phương Thư

1. Đặt vấn đề

Trong điều kiện dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam nói chung, lớp học thường có sĩ số khá đông. Vì vậy, việc phát triển các kỹ năng, đặc biệt là nói, trở nên vô cùng khó khăn đối với cả người dạy lẫn người học. Làm thế nào có thể đạt được mục tiêu giảng dạy và học tập trong những điều kiện sẵn có ở nước ta? Có thể phát triển kỹ năng nói trong một lớp học được xem là đông hay không? Nếu có thể, các nguyên tắc giáo viên cần phải làm theo là gì? Bài viết này bước đầu tìm hiểu những vấn đề liên quan đến việc phát triển kỹ năng nói trong các lớp đông và được cấu trúc theo ba phần. Trước hết, vấn đề lý thuyết liên quan đến lớp đông, đặc biệt là trong việc phát triển kỹ năng nói được trình bày. Tiếp theo, trên nền tảng lý luận đã được nêu, các nguyên tắc liên quan đến việc giáo dục ngôn ngữ được rút ra. Cuối cùng, dưới ánh sáng của các nguyên tắc này những chiến lược hay sự vận dụng vào việc giảng dạy tiếng được trình bày dựa vào kinh nghiệm giảng dạy của người viết.

2. Khung lý thuyết

Phần lý thuyết giải quyết bao vấn đề cốt lõi liên quan đến vấn đề lớp đông trong giáo dục ngôn ngữ. Đó là khái niệm “lớp đông”, những trở ngại liên quan đến việc giảng dạy một lớp đông học viên, và các giải pháp được xem là ưu việt để khắc phục tình trạng này. Ba vần đề cốt lõi này sẽ được lần lượt trình bày sau đây.

2.1 Khái niệm “lớp đông”

Khái niệm “lớp đông” thoạt đầu tưởng chừng đơn giản. Tuy nhiên, khi đi vào nghiên cứu ta thấy nó không đơn giản tí nào. Thế nào là một lớp được xem là đông? Số lượng học viên trong một lớp tới bao nhiêu mới được coi là đông? Mỗi quốc gia trên thế giới có cách nhìn khác nhau về cùng một hiện tượng này. Thậm chí giáo viên trong cùng một đất nước cũng chưa hẳn thống nhất với nhau về con số liên quan. Vì vậy, thuật ngữ lớp đông có thể có nhiều nghĩa khác nhau. Chẳng hạn như, theo Wong, trong khi đa số người cho rằng lớp học có 15 học sinh là lớp ít người, có người lại cho rằng đây là lớp đông. Vì vậy, nghĩa của ngữ này chỉ mang tính tương đối. Những giáo viên đã quen dạy lớp chỉ có từ 12 đến 14 sinh viên sẽ ngại dạy lớp có sĩ số “đông” là 20 người. Những giảng viên khác cảm thấy nhẹ nhỏm khi chỉ có 40 sinh viên trong lớp của mình (Nolasco & Arthur, 1993, tr. 4).

Tại Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, lớp đông được hiểu là những lớp có sĩ số từ 60 sinh viên trở lên. Cách hiểu này được áp dụng để tính lương cho giảng viên vì chỉ từ mốc này trở lên, các tiết dạy mới được cộng thêm hệ số lớp đông.

Đối với các lớp chuyên ngữ trong trường (Nga, Anh, Pháp, và Hoa), sĩ số lớp thường dao động trên dưới 30 và thường được xem là lớp đông do đặc thù đào tạo của ngành.

2.2 Những khó khăn liên quan

Các nhà nghiên cứu về lớp đông trên thế giới đã liệt kê hàng loạt những khó khăn mà giáo viên phải đối diện khi dạy những lớp như thế này. Có thể nêu ra đây những vấn đề điển hình: Sinh viên cảm thấy bị cô lập về mặt xã hội; sinh viên không cảm thấy gắn bó với khóa học; sinh viên không nhận được sự giúp đỡ mang tính cá nhân; phần lớn thời gian giáo viên chỉ giao tiếp với các sinh viên ngồi bàn đầu, vì vậy không quan tâm đến những sinh viên ngồi cuối lớp học; v.v.

2.3 Hướng khắc phục

Theo Petresky (2004), khi dạy các lớp ngoại ngữ có đông học viên, các hiệu quả nhất để người học tiếp thu kiến thức là chia lớp ra thành các cặp, nhóm nhỏ hoặc nhóm lớn hơn. Thường thì giáo viên nên xếp sinh viên có mục đích chung và trình độ tương tự nhau làm việc cùng với nhau. Tương tự, Shannon (2005) cho rằng cách để dạy lớp dạy tiếng đông học viên là chia lớp thành các nhóm nhỏ. Nhiệm vụ của giảng viên khi các nhóm làm việc là đi quanh lớp và quan sát tiến độ của sinh viên.

Cần lưu ý là khi sử dụng các hoạt động theo cặp và nhóm trong các lớp đông để phát triển kỹ năng giao tiếp, giáo viên có thể gặp một số khó khăn như sau: Sinh viên không hứng thú với những dạng hoạt động mình không quen làm; có vấn đề về kỷ luật; có nhiều hạn chế mang tính vật lý, chẳng hạn như bàn ghế thường thì được xếp theo hàng; giáo viên các lớp khác không thích sự ồn ào khi tất cả sinh viên nói cùng lúc; sinh viên không sử dụng ngoại ngữ mình học khi làm việc theo cặp hoặc theo nhóm; sinh viên có thể phàn nàn rằng giáo viên không dạy gì cả nếu giáo viên yêu cần sinh viên làm việc theo cặp và theo nhóm; và một khi những hoạt động có tính hứng thú hơn trong lớp học tạo động cơ cho người học, người học có thể trở nên quá hăng hái và vì thế khó có thể kiểm soát được (Nolasco & Arthur, 1993, tr. 5).

3. Nguyên tắc liên quan đến việc giáo dục ngôn ngữ

Từ những điều đã trình bày trong các tiểu mục 2.1, 2.2, và 2.3 của phần 2 những vấn đề lý luận ở trên, có thể nêu lên những nguyên tắc mà giáo viên nên làm theo trong khi giảng dạy tiếng như sau:

- Trong điều kiện ở Việt Nam, các lớp chuyên ngữ có khoảng 30 sinh viên được xem là lớp đông.

- Khi phát triển kỹ năng nói, những lớp có sỉ số nêu trên càng phải được lưu tâm đặc biệt.

- Để mọi thành viên trong lớp có thể tham gia vào các hoạt động phát triển kỹ năng giao tiếp và tránh trường hợp chỉ có sinh viên ngồi các dãy ghế đầu tham gia, giáo viên nên chia lớp thành các cặp hoặc các nhóm nhỏ và lớn hơn.

- Việc phân cặp và nhóm nên dựa theo nguyên tắc tương đương về trình độ và sở thích.

- Sinh viên được khuyến khích sử dụng ngôn ngữ mình đang học khi làm việc theo cặp và nhóm.

- Giảng viên di chuyển khắp lớp để theo dõi tiến độ của sinh viên và can thiệp khi thấy cần thiết.

- Chấp nhận tình trạng “sôi động” và khó kiểm soát một khi người học hứng thú tham gia các hoạt động do giảng viên đưa ra.

4. Chiến lược/Sự vận dụng vào thực tế giảng dạy

Thực tế giảng dạy kỹ năng nói cho sinh viên chuyên ngữ năm thứ nhất Khoa Nga Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh cho thấy các lớp có sĩ số trên dưới 30 là lớp đông. Đối với các lớp nếu dạy theo kiểu truyền thống, giảng viên thường chỉ chú ý đến những sinh viên siêng năng và khá ngồi ở những bàn đầu. Chính vì vậy, những sinh viên này có nhiều cơ hội tham gia hơn vào bài giảng của giáo viên. Còn những sinh viên ngồi phía sau, đặc biệt là ở những dãy ghế gần cuối lớp học ít được dịp phát biểu hơn, nếu không nói là không có. Việc giới thiệu cách làm việc theo cặp, nhóm nhỏ và nhóm lớn hơn thoạt đầu làm cho sinh viên cảm thấy không thoải mái vì nghĩ rằng giảng viên không dạy gì, hoặc không tin tưởng vào trình độ của bạn mình, hoặc thảo luận bằng tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, sau vài tuần sinh viên quen dần với các làm việc mới và bắt đầu cảm thấy được những lợi ích gắn với các hoạt động theo cặp và nhóm, chẳng hạn như có cơ hội phát triển kỹ năng nói ngang bằng nhau với tất cả thành viên trong lớp, số lần được nói tăng lên đáng kể, phá bỏ được tâm lý ngại nói một khi có động cơ tham gia vào các hoạt động trên lớp. Nhìn chung, sinh viên cảm thấy có lợi hơn có hại khi được hướng dẫn làm việc theo cách mới này.

5. Kết luận

Bài viết bước đầu nghiên cứu các cách để khắc phục tình trạng lớp đông trong các lớp chuyên ngữ. Từ khung lý thuyết được xác lập ban đầu, tác giả đi đến những nguyên tắc làm việc trong việc giảng dạy và học tập tiếng. Cuối cùng là thực tế giảng dạy được bàn đến. Lý thuyết, nguyên tắc và chiến lược được vạch ra phần lớn tập trung vào việc phát triển kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, việc phát triển sang các kỹ năng khác trong giảng dạy ngoại ngữ cũng là một khả năng và biết đâu việc mạnh dạn áp dụng có thể tạo nên bước đột phát trong giảng dạy và học tập ngoại ngữ!

Tài liệu tham khảo

Nolasco, R., & Arthur, L. (1993). Large classes. London: Macmillan.

Petresky, A. (2004). Teaching large ESL classes: Field notes for Able staff. Retrieved from http://www.pde.state.pa.us/able/fieldnotes.au/fn04esllarge.pdf

Shannon, F. (2005). The life of a university EFL teacher in Taiwan. Retrieved from

http://www.fredshannon.blogspot.com/2005/06/large-classes.html

Wong, R. (n.d.). The challenges of teaching English as a foreign language in large classes. Retrieved on March 22, 2008, from http://www.helium.com.items/138924-contents1introduction2-teaching-large-classes

 


 Lịch công tác 

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
29 30 1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31 1 2

 Đăng Nhập