Lịch công tác

 
Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30 1 2 3 4 5

Đăng Nhập

 



Khóa bồi dưỡng chuyên đề “Luyện Chữ Đẹp”

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thông báo chiêu sinh Khóa bồi dưỡng chuyên đề “Luyện Chữ Đẹp” tổ chức tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông tin chi tiết xin xem tại đây.


PTN AILab tuyển sinh viên cho dự án KHAN

PTN AILab tuyển sinh viên cho dự án KHAN (tạo bài giảng môn toán từ lớp 1-6)

Phòng thí nghiệm AILab trực thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG–HCM là nơi thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực Trí tuệ Nhân tạo, Giáo dục và Y tế.

Nhằm triển khai đề tài ứng dụng MOOC do Lãn sự quán Hoa Kỳ tài trợ, PTN AILab ra thông báo tuyển dụng như sau:

I. Mô tả công việc:

Tạo video giải các bài tập mẫu môn toán từ lớp 1 đến lớp 6 bằng tiếng Việt.

II. Số lượng tuyển dụng: 5 người, ưu tiên nữ.

III. Đối tượng:

- Sinh viên hoặc học viên Cao học (ưu tiên cho SV ngành Toán, CNTT).

V. Thời gian và địa điểm làm việc: linh động (làm việc tại nhà hoặc PTN AILab)

VI. Quyền lợi:

- Mức lương dự kiến: thoả thuận theo sản phẩm (từ 2 đến 5tr/tháng).

- Được đào tạo, huấn luyện và tham gia làm trợ giảng ở giai đoạn sau của dự án.

Sinh viên, học viên quan tâm vui lòng gửi CV, và bảng điểm tới địa chỉ email: ailab@.hcmus.edu.vn trước ngày 04/06/2017. PTN AILab chỉ liên hệ phỏng vấn với những ứng viên đủ tiêu chuẩn.


Liên hệ với nhà trường

+ Khoa Giáo dục Tiểu học

Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh

280 An Dương Vương, Phường 4, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh

Điện thoại: (08) 38352020 - số nội bộ 135

Website: http://khoagdth.hcmup.edu.vn

Email: khoagdth@hcmup.ede.vn


+ Phòng Đào tạo

Điện thoại: (08) 38352020 - số nội bộ 143


+ Phòng Sau đại học

Điện thoại: (08) 38352020 - số nội bộ 181, 182, 183, 184

Website: http://sdh.hcmup.edu.vn

Email: phongsdh@hcmup.ede.vn


Hội thi “Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ IX, năm 2016 -2017”

Ngày 27 tháng 7 vừa qua, tại Sở Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra vòng thi thuyết trình của Hội thi “Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần thứ IX, năm 2016 -2017”. Tại hội thi, các thí sinh lần lượt trưng bày và thuyết trình bảo vệ sản phầm của mình trước hội đồng chuyên môn. Một số sản phẩm kỹ thuật có tính sáng tạo và tính ứng dụng cao đặc biệt trong việc dạy và học tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông…

 

Hội đồng chuyên môn chấm thi ngoài sự có mặt của thầy cô các trường Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn có sự góp mặt hỗ trợ của thầy Thạc sĩ Trần Đức Thuận và Thạc sĩ Phạm Phương Anh thuộc khoa Giáo dục Tiểu học trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo sự đánh giá chính xác chuyên môn và tính khách quan cho hội thi.

Hội thi năm nay được đánh giá cao về tính kỹ thuật và sự sáng tạo cho thấy chất lượng Hội thi được nâng dần lên qua mỗi năm. Một số sản phẩm tập trung vào việc hỗ trợ dạy và học cho giáo viên như, mô hình miêu tả vòng tuần hoàn của nước, mô hình nhà máy Thủy điện, quy trình xử lý nước, bàn học đa năng…

Bên cạnh đó, một số sáng tạo kỹ thuật mang yếu tố bảo vệ môi trường thông qua các mô hình được thiết kế kỹ thuật bằng những vật liệu tái chế như thìa, ống hút, đĩa CD cũ.

 

Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lần IX” là cơ hội để các giáo viên, các nhà kỹ thuật giao lưu học hỏi và trình bày những ý tưởng cũng như các sáng tạo kỹ thuật. Qua hội thi, một số ý tưởng kỹ thuật đột phá được các sở ngành như sở Khoa học kỹ thuật, phòng thiết bị dạy học sở giáo dục đào tạo quan tâm và đặt hàng, tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào dạy học tại các trường học.


LSIS

Hệ thống Giáo dục Những ngôi sao nhỏ LSIS, một trong những đơn vị tài trợ cho Hội thảo Quốc tế về Didactic Toán lần thứ VI

http://ngoisaonho.edu.vn/


Tiếng Việt ở Tiểu học


Truyện cười với hiệu quả dạy học ở trường tiểu học hiện nay PDF. In Email
Thứ hai, 14 Tháng 9 2015 16:16

TRUYỆN CƯỜI VỚI HIỆU QUẢ DẠY HỌC

Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC HIỆN NAY

Bùi Thanh Truyền [*]

Tóm tắt: Truyện cười là món ăn tinh thần sát hợp của trẻ thơ hôm nay, là nhân tố quan trọng tham gia vào hoạt động dạy học của cả thầy và trò ở trường tiểu học. Với nhiều công năng tích cực của mình, mảng sáng tác này đã trở thành ngữ liệu sát hợp để giáo viên sử dụng, làm sinh động, hấp dẫn giờ dạy. Đó cũng là cơ hội thú vị để thầy cô trải nghiệm những tình huống sư phạm đa dạng, phong phú và bổ ích nhằm tạo được vị thế của một người thầy - nghệ sĩ trên bục giảng.

Từ khóa: truyện cười, dạy học, tiểu học, giáo viên, học sinh.

JOKE AND ITS TEACHING EFFECTIVENESS IN ELEMENTARY SCHOOLS

Abstract: Today, joke is an appropriately spiritual food for children and an important factor in teaching and learning activities of both teachers and students in elementary schools. Thanks to its positive functions, joke has become suitable texts for teachers to make class time more vivid and attractive. This is also an exciting opportunity for teachers to experience varied, abundant and useful pedagogical situations which help them build the position of a teacher – an artist on the pulpit.

Keywords: joke, teaching effectiveness, elementary school.

 

Cười là một nhân tố quan trọng của cuộc sống. Ngoài tính chất bản năng, sinh học (con người có miệng có môi - khi buồn thì khóc, khi vui thì cười), tiếng cười cũng thể hiện rất rõ tính văn hóa, xã hội. Từ tiếng cười vô thức của trẻ sơ sinh, tiếng cười bộc phát khi bị cù đến tiếng cười trí tuệ, cười để thấm, để ngẫm là một quá trình mang dấu ấn của sự trưởng thành ở con người. Nói cách khác, tiếng cười với nhiều sắc thái khác nhau, là một biểu hiện của trình độ chiếm lĩnh cuộc sống, bản lĩnh của mỗi cá nhân cũng như toàn thể cộng đồng.

Trong cuốn sách triết lí Le Rire, văn hào Pháp Henri Bergson đã viết: “Hài hước nằm trong bản tính con người” (Il n’y a pas de comique en dehors de ce qui est proprement humain). Cũng theo tác giả thì “không gì giải tỏa bằng cười” (rien ne désarme comme le rire). Tiếng cười, vì thế, luôn cần cho cuộc sống. Nó là điều kiện để mỗi cá nhân trút xả ẩn ức, nạp lại nguồn năng lượng tinh thần, cũng là cơ sở để họ tự khẳng định mình, là chất đề kháng để chống lại sự ăn mòn nhân tính của các axit độc hại có trong môi trường sống, là minh chứng thuyết phục cho sự ưu việt của nhân loại trong diễn trình lịch sử. Cho nên, sẽ không là đại ngôn khi nói rằng, món quà quý giá nhất trong cuộc sống chính là nụ cười - một trong những khởi nguồn rất đơn giản của niềm hạnh phúc.

[ … [†] ]

 


[*] TS, Trường Đại học Sư phạm TPHCM

[†] Toàn văn được đăng từ trang 69 Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TPHCM, số 6 (71)/2015

 
Những tấm lòng cao cả - bài ca về sự nghiệp trồng người PDF. In Email
Thứ hai, 14 Tháng 9 2015 00:18

NHỮNG TẤM LÒNG CAO CẢ - BÀI CA VỀ SỰ NGHIỆP TRỒNG NGƯỜI

Bùi Thanh Truyền [1]

Tóm tắt:Những tấm lòng cao cả là cuốn sách gắn liền với tên tuổi của Edmondo de Amicis – nhà văn trọn đời tìm kiếm, khám phá vẻ đẹp của thế giới tâm hồn con người. Truyện khắc họa sinh động chân dung tập thể thầy cô hết lòng yêu thương học sinh, tận tuỵ, hi sinh vì sự nghiệp trồng người. Bài ca sư phạm âm vang suốt tác phẩm đã góp phần khẳng định tên tuổi tác giả trên văn đàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Từ khóa: thầy cô, học sinh, bài ca sư phạm, sự nghiệp trồng người.

HEART – THE SONG ABOUT EDUCATING CAREER

Abstract: “Heart is the work which made Edmondo de Amicis becomes well-known in the world through looking for and finding out about the beauty of the human spirit. The story portrays teachers who love pupils with their whole heart and serve devotedly in educating career. The work is as a beautiful pedagogical song that confirms the author's reputation in the world and in Vietnam.

Keywords: teacher, pupil, pedagogical song, educating career.

 

1. Edmondo de Amicis – nghệ sĩ trọn đời truy tầm vẻ đẹp của thế giới tâm hồn

Edmondo de Amicis xuất hiện trên văn đàn Ý vào nửa sau thế kỉ XIX và nhanh chóng đến với bạn đọc thế giới bằng những câu chuyện nhỏ viết cho thiếu nhi. Trẻ em đọc Amicis bằng một niềm đồng cảm chân thành. Suốt cuộc đời sống và viết của mình, ông mải mê kiếm tìm thứ hạnh phúc ẩn chứa trong tâm hồn con người, trong tình yêu thương đồng loại – một trạng thái sung sướng, mãn nguyện chỉ có được khi ta biết thấu hiểu, đồng cảm và sẻ chia với những người xung quanh.

Amicis sinh năm 1846 tại Ônêglia, xứ Liguria, trên bờ biển Tây Bắc bán đảo Ý và qua đời ở Boocđighêra, tỉnh Giênôva ngày 12 tháng 3 năm 1908. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, ông sớm ý thức được trách nhiệm của mình và có một tinh thần dân tộc sâu sắc. Trước khi tên tuổi của nhà văn Edmondo de Amicis vang danh trên văn đàn, người ta đã biết đến người lính Amicis dũng cảm.

Hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp văn chương, một nửa thời gian ông viết về du kí, nửa còn lại dành cho các vấn đề xã hội. Tuy vậy, vẫn còn một mảng đề tài khơi dậy trong Amicis cảm hứng sáng tạo và với nó, ông đã trở thành nhà văn của tình thương, của những bài học đạo đức dành cho trẻ nhỏ. Ông hướng ngòi bút đến trẻ thơ với một tấm lòng nhân hậu, một tình yêu thương trìu mến và một sự hiểu biết sâu sắc đặc điểm tâm lí lứa tuổi này. Các truyện viết về mảng đề tài thiếu nhi không đầy tình tiết bất ngờ như thể du kí, không nóng bỏng và gay gắt như khi viết về các vấn đề xã hội. Chúng nhẹ nhàng, thoải mái nhưng giàu sức thuyết phục. Những người bạn dí dỏm thân mật, dễ thương; Giữa trường và nhà tâm lí và đầy trách nhiệm; Cuốn truyện của người thầy xúc động và giàu tình thương...

Trong cái vốn liếng khiêm tốn đó, Tấm lòng (Coure) ra đời vào năm 1886 (được dịch ra tiếng Việt là Những tấm lòng cao cả) là cuốn sách có đời sống lâu dài hơn cả. Hơn một thế kỉ nay, Coure đã đưa Amicis đến với mọi người, đến với thiếu nhi Việt Nam và thiếu nhi toàn thế giới.

 

2. Những tấm lòng cao cả - khúc hát vinh danh những người gieo hạt lặng thầm

Những tấm lòng cao cả [1] là một cuốn sách giản dị, được viết dưới dạng nhật kí học trò, ghi lại những việc lớn nhỏ, những chuyện hàng ngày của cậu bé lớp ba Enricô Bôttini theo trình tự thời gian một năm học, từ những hoạt động trong lớp của học sinh, những bức thư của phụ huynh viết cho con em mình để nhắc nhở lỗi lầm, những truyện đọc hàng tháng của thầy giáo về các nhân vật cùng trang lứa với các em... Sức hấp dẫn của tác phẩm chính là những câu chuyện xúc động về tình người, những bài học giáo dục trẻ con sâu sắc được thể hiện bằng giọng văn trìu mến, tràn đầy yêu thương. Ở đó, ta được vui đùa hồn nhiên cùng đám học trò nhỏ, đứa thì ngây thơ khoe những đồ chơi mới, đứa lại ngộ nghĩnh với dáng bộ làm kiêu, đứa thì luôn đứng ra bênh vực bạn. Ở đó, ta như trẻ lại để được vỗ về, được yêu thương trong tình mẹ cha, được lớn lên, trưởng thành trong sự dìu dắt, dạy bảo của những người thầy. Cuốn sách là một thiên trường ca cảm động về nghề dạy học. Amicis đã viết về hình ảnh của thầy cô giáo với những tình cảm trân trọng nhất. Họ đã sống hết mình vì nghề nghiệp, vì học sinh, vì những mục đích tốt đẹp.

Trong truyện, hình ảnh các thầy cô giáo đã hiện lên với lòng nhiệt thành và bao điều tôn kính. Họ coi trọng sự nghiệp giáo dục, chăm lo việc học, đời sống tình cảm và cả chuyện ăn ngủ, sinh hoạt của học sinh. Họ lo lắng và yêu quý trẻ thơ như chính con em của mình, không dạy mà như đã dạy, không nói mà như đã nói. Những bài học về tình thầy trò cứ nhẹ nhàng đi vào lòng trẻ thơ, đi vào lòng người đọc.

Thầy truyền cho học sinh ngọn lửa của lòng yêu nước, ý thức sống xứng đáng với truyền thống đất nước, dân tộc mình – một đất nước “đã chiến đấu năm mươi năm, và ba vạn người Ý đã chết cho tự do”. Họ đặt lợi ích, vận mệnh đất nước lên trên hết, sẵn sàng để người thân, con em mình lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và họ thực sự tri ân những người đã hi sinh hoặc đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Họ ý thức được rằng: “Chế giễu một người lính đang ở trong đội ngũ và không thể đáp lại, cũng không thể tự vệ, thế khác nào chửi một người đang bị trói: như thế gọi là hèn nhát”, “phải yêu những quân dân, các con ạ, đó là những người bảo vệ chúng ta”. Thầy hiệu trưởng của Enricô là một trong những người như thế. Chính thầy đã nêu một tấm gương sáng về tình yêu nước, đức hi sinh, lòng vị tha cho học sinh thân yêu.

Trong bức tranh toàn cảnh đó, thầy Pecbôni hiện lên với nhiệt tâm và tài năng của một nhà sư phạm. Đây là một tấm gương của sự tự rèn luyện và phấn đấu không ngừng: “Từ một nông dân, thầy đã thành ông giáo, nhờ cố gắng học tập và chịu đựng mọi sự thiếu thốn". Gặp nhiều đau khổ trong cuộc sống gia đình nhưng với học trò, thầy luôn dành cho các em một tình thương trọn vẹn. Thầy đã cảm hoá được những em bé tinh nghịch, ngỗ ngược nhất. Mỗi tháng thầy đều dành ra một giờ để kể cho các em nghe một câu chuyện, một tấm gương cảm động. Tất cả các câu chuyện của thầy làm cho học sinh (và ngay cả chúng ta) xúc động. Juliô Pecbôni chọn cho mình một con đường riêng để “đối thoại” với học trò: Thầy kể chuyện. Mỗi câu chuyện là một bài học về lòng yêu nước, sự dũng cảm, đức hi sinh. Amicis không miêu tả nhiều về con người ấy nhưng qua những “truyện đọc hàng tháng”, độc giả có thể nghe thấy âm hưởng ấm áp cất lên từ một tâm hồn rất đằm, rất sâu. Thầy thổi vào thế giới ấu thơ rộn rã một niềm chờ đợi – chờ đợi được nhận những bài học làm người từ tám câu chuyện kể. Ngay từ buổi học đầu tiên, Pecbôni đã khiến cho học trò yêu thích. Enricô đã rất tinh tế thấy được sự yêu quý của mọi người dành cho thầy khi viết: “Chốc chốc, chúng tôi lại thấy những học trò của thầy năm ngoái đi qua đều bước vào cửa chào thầy: “Chào thầy ạ! Chào thầy Pecbôni ạ! Rõ ràng đám học trò cũ đều rất mến thầy và rất muốn lại được học với thầy”. Sau khi nhìn chăm chú từng học sinh mới của mình, thầy bắt đầu bằng bài chính tả, vừa đọc vừa đi vào giữa các dãy bàn. Chợt nhìn thấy một cậu mặt đỏ ửng và đầy những nốt sừng nhỏ, thầy liền ngừng lại, lấy hai tay ôm đầu cậu bé, hỏi cậu làm sao, rồi sờ trán xem cậu có sốt không. Cũng chính người thầy đáng kính này đã dạy cho cậu bé Enricô và các bạn bài học đầu tiên về tình yêu đất nước, tình đoàn kết dân tộc, về tình bạn: “Hãy nhớ kĩ những gì thầy sắp nói. Rồi đây, những câu chuyện kiểu này sẽ đi vào quá khứ: một cậu bé Calabria tới sống ở Turin hoặc một cậu bé ở Turin có thể tìm thấy ngôi nhà riêng của mình ở Calabria. Tổ quốc Italia của chúng ta đã chiến đấu trong năm mươi năm, ba nghìn người đã chết chỉ để đạt được một mục tiêu cuối cùng: một đất nước Italia thống nhất”. Thầy xem lớp học là gia đình và học trò là những người con thân yêu của mình: “Thầy không có gia đình. Chính các con sẽ thay cho gia đình của thầy... Nay thầy chỉ có một mình, thầy chỉ còn các con trên đời này nữa thôi. Thầy chẳng còn ý nghĩ nào, tình cảm nào ngoài các con ra. Các con phải là đàn con của thầy. Thầy sẽ rất thương các con và các con cũng phải thương thầy”. Có lúc con người ấy cũng nhẹ nhàng như một người mẹ khi an ủi học sinh gặp điều mất mát, bất hạnh: “Khóc đi, tội nghiệp, con cứ khóc đi, nhưng hãy can đảm, con ạ. Mẹ con vẫn thương con, bà vẫn sống bên con, và một ngày kia con sẽ gặp lại bà vì con có tấm lòng hướng thiện và trung hậu như lòng bà. Can đảm lên, con ạ”; hoặc tha thiết trong từng lời nhắn nhủ khi biết quỹ thời gian của mình sắp cạn: “Con phải chú ý điều này... nếu thầy không qua được... thì con phải chú ý đến môn toán đấy, đó là chỗ yếu của con...”. Nhưng cũng chính thầy đã nghiêm khắc như một người cha khi bọn trẻ làm điều sai trái: “Các cậu đã lăng mạ một người bạn không hề gây sự với mình, các cậu đã nhạo báng một người tàn tật, các cậu đã tấn công một em bé yếu đuối không có sức chống cự. Các cậu đã làm một việc hèn hạ và nhục nhã nhất, có thể bôi nhọ lương tâm con người! Các cậu là những kẻ hèn nhát!”. Thầy dạy học trò không nên chưng diện, khoe khoang, hợm hĩnh, tự phụ, đặc biệt là tránh xa thói đố kị, tị hiềm với bạn bè: “Đừng để cho con rắn ghen tị luồn vào tim. Đó là con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim”. Ngay cả lúc ốm nặng, thầy vẫn trăn trở vì đàn em thân yêu: “Thầy đang ốm thảm hại, con thấy đấy. Enricô à, lớp ta ra sao? Và học sinh thì thế nào? Tốt lắm phải không? Các cậu không cần có thầy cũng vẫn được đấy nhỉ?”.

Hình ảnh thầy Pecbôni được nhà văn khắc chạm trong tác phẩm thật nhân từ, hiền hậu, phảng phất dáng hình của ông Bụt phương Đông. Thầy đã lo cho học sinh bằng nỗi lo của một người cha đầy trách nhiệm, bằng tình thương vô bờ của người mẹ đối với những đứa con yêu. Cảm tưởng của Enricô về thầy trong Buổi thi cuối cùng thật xúc động: “Tội nghiệp thầy quá! Ai cũng thấy ngay là thầy yêu thương chúng tôi thật sự. Thầy chỉ nghĩ đến chúng tôi, chỉ lo cho chúng tôi. Khi chúng tôi trả lời thầy cảm động đến luống cuống...”. Đến cha mẹ các em cũng chưa chắc đã lo lắng bằng thầy. Khi tất cả học sinh đều thi khá, để làm cho họ vui, người thầy giáo tóc đã hoa râm và không bao giờ cười ấy lại làm bộ trượt chân, phải bám vào tường cho khỏi ngã. “Phải chăng đó là cái phút vui độc nhất của thầy? - một sự đền bù cho chín tháng trời yêu thương, kiên nhẫn và phiền muộn" - Enricô đã ghi vào nhật kí những dòng rất đỗi yêu thương như thế. Vật kỉ niệm mà thầy nâng niu, gìn giữ là những tấm ảnh các học trò cũ tặng, đã ngoài hai mươi năm vẫn luôn treo ở đầu giường để “khi sắp chết, thì cái nhìn cuối cùng của thầy sẽ quay về họ”.

Nhân vật Pecbôni gợi cho độc giả nhớ đến thầy giáo Đuysen trong Người thầy đầu tiên của T.Aitmatôp, người đã đến từng nhà để thuyết phục bố mẹ học sinh cho con em mình lên lớp, đã kiên nhẫn với dư luận, đã bằng tất cả tình thương yêu lần lượt cõng từng em qua suối trong mùa đông giá lạnh, đã tự mình làm trường học... Bằng tất cả nhiệt tâm, cả Pecbôni lẫn Đuysen đã chắp cánh cho những đàn em thân yêu bay xa hơn trong ước mơ và cuộc sống. Không chỉ những lời dạy bảo mà ngay từ chính con người họ đã là một tấm gương, một bài học quý về tình yêu nước, tình cảm gia đình, lòng vị tha, tính hướng thiện, sự cảm thông, chia sẻ... dành cho học trò.

Với Những tấm lòng cao cả, Amicis đã làm cho biết bao độc giả trên thế giới phải thực sự rung động, yêu quý, tôn kính, biết ơn người thầy. Ta gặp ở đây rất nhiều cô giáo, thầy giáo đã xem nghề dạy học là lẽ sống, là cuộc đời của mình. Ở trường học cũng có những gương hi sinh như ở chiến trường. Cô giáo lớp một trên của Enricô ho không ngớt, nhưng tiếng của cô luôn luôn át cả lớp học, cô nói không nghỉ để học sinh nhỏ không thể lơ đễnh được. Cô có thể sống thêm nếu xin nghỉ dạy, nhưng không muốn xa học trò, cô cứ dạy cho hết năm, và cô đã mất ba ngày trước khi dạy hết chương trình. Vĩnh biệt học trò, cô ôm hôn tất cả, rồi vừa khóc vừa chạy nhanh ra khỏi lớp. Con người "để lại cho học trò tất cả những gì cô có trên đời" ấy trước khi từ giã cõi đời lại yêu cầu thầy hiệu trưởng đừng cho học trò đi theo đám tang mình, sợ các em khóc. Thầy hiệu trưởng luôn là người đến trường sớm nhất và về sau cùng. Thầy Côatti người cao lớn, tóc quăn, đôi mắt âm u và tiếng nói oang oang. Thầy luôn luôn doạ phạt học trò, doạ cả đưa đi tù, nhưng thầy không phạt ai bao giờ và cười trong chòm râu khi thấy học trò sợ. Cô giáo mà người ta gọi là “Nữ tu sĩ bé nhỏ” (vì cô lúc nào cũng mặc áo sẫm màu) có gương mặt trắng và thanh, bộ tóc óng mượt, đôi mắt trong trẻo và giọng nói dịu dàng. Thế nhưng, với giọng nói dịu dàng ấy, cô vẫn biết cách làm cho cái thế giới học sinh tí hon của cô phải yên lặng, “những chú bé tinh nghịch nhất cũng chẳng dám ho he trước mặt cô”. Cô giáo lớp một sơ đẳng số ba lúc nào cũng vui tính, điều khiển lớp học vui vẻ, luôn luôn tươi cười. Khi học trò ra về, cô chạy theo để xếp các em ngay ngắn vào hàng ngũ, xốc cổ áo lại cho em này, cài khuy áo choàng cho em kia, theo dõi trẻ đi ngoài phố xem có cãi nhau không, và khẩn khoản xin phụ huynh đừng phạt các em ở nhà, đưa kẹo thuốc cho em nào ho, cho em bị rét mượn bao tay bằng lông của mình... Những hình ảnh về các nhà sư phạm với "tấm lòng cao cả" như thế cứ nối tiếp nhau qua miền nhớ, miền xúc động của học trò, nâng đỡ và hình thành nhân cách các em.

Amicis dường như luôn dành sự cảm phục đặc biệt cho những nhà giáo thiết tha với những học sinh mà số phận đã không mỉm cười với các em: những trẻ em mù, những trẻ em câm điếc. Vẻ bất ngờ đến sửng sốt của chú làm vườn Gioocđanô khi đứa con gái tật nguyền của mình nói được đã xác tín sự kì diệu của những người thầy: “Bà đã kiên trì dần dần cho từng học trò, ngày nào cũng vậy, năm này qua năm khác à? Bà thật đáng được tất cả mọi sự khen thưởng. Nhưng có sự khen thưởng nào xứng đáng để đền bù bao nhiêu sự chăm sóc, bao nhiêu công lao ấy không?”. Nhờ thế, những học sinh mù đã vượt qua bất hạnh, vươn lên để có cuộc sống như những người bình thường, học tính giỏi, âm nhạc giỏi, đi lại dễ dàng... Lời dạy của thầy cũng là một bài học chứa chan về tình người: “Hãy thương xót, các con ạ, hãy thương xót mãnh liệt những người mà đối với họ mặt trời không có chút ánh sáng và người mẹ không có cả cái nhìn”.

Thầy Crôxetti, sau sáu mươi năm dạy học, vẫn chưa muốn nghỉ – ở nước Ý thuở ấy cô giáo, thầy giáo không có lệ phải về hưu, vì kinh nghiệm và lương tâm của nhà giáo càng thâm niên càng được xã hội quý trọng – nhưng vì run tay trót đánh rơi một giọt mực lên trang vở của học sinh, bậc lão sư đành phải xin về. Đây là nỗi lòng của ông khi phải rời xa bục giảng: “Thật là cay đắng, cay đắng hết sức... tôi hiểu rằng cuộc đời với tôi như vậy là hết rồi, không có trường học, không còn sức trẻ, tôi cũng không sống được bao lâu nữa”. Sau bao năm tận tuỵ với nghề, ông chỉ có một căn nhà trống trải, tấm ván tồi tàn làm giường ngủ, mẩu bánh mì và chai dầu làm bữa ăn - “đó là tất cả phần thưởng của thầy”. Đạm bạc và thanh cao nhưng người thầy giáo đáng kính ấy vẫn là người giàu có trong “vương quốc” học trò với đầy ắp tiếng cười và sự kính trọng. Hình ảnh cụ giáo già và chuyến trở lại thăm thầy cũ của bố con ông Bôttini đã gửi gắm phần nào ý nguyện của nhà văn. Tác giả đã đưa đến cho chúng ta những thông điệp giàu tính nhân văn về sự cao quý của tình thầy trò, về lòng biết ơn, về truyền thống “tôn sư trọng đạo”,...

Những bài học làm người đầu tiên mà các thầy cô giáo đã chắt chiu, gom góp dành tặng cho học sinh thân yêu sẽ mãi là những gì đẹp nhất, cao quý nhất trong suốt cuộc đời của các em. Và như một sự tưởng thưởng xứng đáng, những con người với tâm hồn cao thượng trong cõi nghề cao quý ấy đã nhận về sự biết ơn, đền đáp, thương yêu chân thành của học trò. Cái chết của cô giáo Đentica làm cậu Prêcôtxi gục đầu vào bàn mà khóc, và tất cả học sinh trong lớp đều đến nhà cô để đưa tang. Lời vĩnh biệt của Enricô viết trong trang nhật kí thể hiện rất rõ lòng yêu thương, kính trọng và biết ơn: "Cô giáo đáng thương! Vĩnh biệt! Vĩnh biệt cô mãi mãi, cô giáo quý mến của tôi! Niềm tưởng nhớ đau buồn nhưng dịu dàng trong thời thơ ấu của tôi”. Khi cô giáo cũ dạy lớp một nhân từ và hiền hậu của Enricô sợ một ngày nào đó học trò sẽ quên mình, cậu bé đã vô cùng xúc động và tự nhủ với mình: “Ôi! Cô giáo rất tốt của con, không, không bao giờ con lại quên cô được! Sau này, khi đã lớn con vẫn nhớ cô, và con sẽ đến tìm gặp cô giữa đám học trò nhỏ của cô”. Nếu có thầy giáo phiền muộn vì một học sinh nào đó không vâng lời, các em đã động viên thầy bằng những tình cảm thật đáng quý: “Thưa thầy, xin thầy đừng buồn phiền nữa, tất cả chúng con ở đây đều rất kính yêu thầy”.

Những giọt nước mắt chực trào vì cảm động, những cái ôm hôn, vuốt ve, túm khăn trùm hay áo choàng... là những gì mộc mạc nhưng chân thành mà những người học trò nhỏ đã dành tặng cho thầy cô. Đó là những món quà vô giá không gì có thể đổi được. Dù đôi lúc có làm thầy cô bực mình vì tính nghịch ngợm, không vâng lời, chưa chăm chỉ... nhưng trong sâu thẳm trái tim, các em luôn dành cho thầy cô một vị trí trân trọng, chan chứa niềm tri ân, thương quý. Những lời trách mắng dành cho nhau của bọn trẻ cũng làm vơi đi phần nào phiền muộn của thầy: “Thôi đi! Đồ ngốc tất cả! Các cậu lạm dụng lòng tốt của thầy phụ giáo; giá thầy ấy nghiền nát tay các cậu... nhưng thầy thương hại các cậu, việc làm của các cậu hèn nhát lắm, hiểu chưa...”. Với Enricô, lòng biết ơn, yêu kính biểu hiện qua thức nhận về sự bao dung, đức hi sinh quên mình của thầy thổ lộ bằng những dòng nhật kí già dặn: “Trước hết, tôi cảm ơn thầy giáo kính yêu, thầy rất thương yêu tôi và khoan dung đối với tôi, và mỗi tiến bộ của tôi đều đổi bằng sự hao tổn sức khoẻ của thầy...”. Dẫu là một học trò đặc biệt - một tù nhân, họ cũng gửi tâm tình mình vào một vật chứng không thể phai mờ theo thời gian, ghi dấu lòng biết ơn chân thành đối với người đã “khai sáng lòng mình”, đã dạy mình biết đọc, biết viết: Lọ mực do người tù tự làm rất kì công khắc hình một quyển vở, trên có một ngòi bút với dòng chữ: “Kính tặng thầy giáo của tôi, kỉ niệm của số 78 - sáu năm!”. Đây là những phương thuốc thần diệu có thể chữa lành bao thương tổn, bệnh tật cho những người đã thầm lặng hi sinh vì đàn em thân yêu.

Mỗi nhà sư phạm một vẻ, một tính cách. Viết về họ, Amicis đã nêu lên được những tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người. Qua ngòi bút của tác giả, các thầy cô giáo hiện lên với những hình ảnh thật đẹp. Họ hết lòng thương yêu học trò, họ dùng những phương pháp giáo dục đúng đắn và thích hợp để hướng các em đến một sự phát triển toàn diện về nhân cách. Họ không chỉ dạy các em về kiến thức mà còn dạy lẽ phải, dạy cách làm người.

3. Và tiếng ca vọng vào vô tận…

Với nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam, Những tấm lòng cao cả là một cuốn - sách gối - đầu - giường. Thời gian trôi đi, nhưng những gì tác giả gửi gắm qua từng bài học của thuở ấu thơ về công ơn mẹ cha, về lòng yêu nước, thương người, về tình thầy trò, bè bạn,... vẫn không bao giờ xưa cũ, không bao giờ thừa. Sáu câu chuyện nhỏ được sử dụng làm ngữ liệu dạy học trong sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học (Chương trình Cải cách giáo dục, Chương trình Thực nghiệm và Chương trình hiện hành) đã khẳng định được chân giá trị của tác phẩm, bởi một khi sáng tác văn học đã được đưa vào nhà trường thì vị trí cũng như ảnh hưởng của nó, nói như Hoài Thanh, là điều không thể phủ nhận [4]. Ở đó, ta được gặp gỡ những người thầy đã thắp sáng bao tin yêu, bao hoài bão để Bắc từ một cậu học sinh “tối dạ” vươn lên đứng đầu lớp trong sự khâm phục của mọi người (Có chí thì nên), để Sắc có thêm lòng đam mê học tập, “những món tiền cậu dành dụm được đều đi vào cửa hàng bán sách” (Tủ sách của bạn Sắc) và để Nenli “rạng rỡ vẻ chiến thắng” trong sự động viên, cảm phục của bạn bè (Buổi tập thể dục) v.v.

Dẫu không phải là nhà giáo, nhưng những bài học quý chan chứa tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm đối với trẻ thơ mà Amicis gửi gắm trong tác phẩm đã chứng tỏ nghệ thuật sư phạm của người viết. Nó giúp trẻ em ngạc nhiên vì khám phá ra điều mới mẻ trong cái quen thuộc hàng ngày, nhận ra cái chí lí sâu xa trong những gì bình thường, đơn giản. Các em sẽ tự hỏi mình rằng: Ngày hôm qua ta đã sống thế nào? Cả hôm nay và ngày mai nữa? Ta đã làm được gì cho mọi người? Đã động lòng thương chưa khi thấy một người gặp hoạn nạn? Đã tự xấu hổ với chính mình chưa khi một chút vô tình lỡ lời với bố mẹ? Đã thật sự kính trọng, lễ độ với thầy cô giáo chưa hay có lúc vẫn vô tâm? Đã sống với bạn chân thành chưa hay còn nuôi lòng ích kỉ?... Trả lời được những câu hỏi đó, tự các em sẽ lớn lên, sẽ trưởng thành.

Không chỉ trẻ thơ, chính “bầu không khí yêu thương và giáo dục” luôn hiện diện trong tác phẩm còn làm rung động, nhắc nhớ bao tâm hồn người lớn. Trả lời cho câu hỏi: “Cuốn sách nào đã ảnh hưởng nhiều nhất từ trước tới nay?”, nhiều người đã không ngần ngại ghi ngay cuốn Tâm hồn cao thượng. Lời tâm sự và ước muốn của Trần Bình Quan cũng là tâm trạng của những ai đã từng đến với Những tấm lòng cao cả: “Theo tháng năm tôi không bao giờ quên những mẩu chuyện ngắn dạy ta nên người. Càng lớn, cứ vài năm tôi xem lại một lần và tôi lại cảm nhận thêm vài điều hay lẽ phải. Tôi luôn ao ước có một nhà văn nào đó sẽ viết một Tâm hồn cao thượng đúng nghĩa người Việt Nam ta” [3].

Những tấm lòng cao cả đã trở thành tác phẩm kinh điển của văn học Italia và đưa Amicis vào hàng ngũ những nhà văn thành công nhất về đề tài giáo dục - giáo dục cho con trẻ biết nhận thức những đúng, sai xung quanh mình, biết học tập, biết yêu lao động, yêu thương mọi người. Đây là những yếu tính để trẻ vững bước vào đời. Chung tay vào sự nghiệp xây dựng những nấc thang quan trọng đó có vai trò của những người ngủ ít, ăn vội ăn vàng, nói vỡ phổi - những thầy cô giáo thiết tha với học sinh thân yêu, với sự nghiệp trồng người.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Edmondo de Amicis, Những tấm lòng cao cả (Hoàng Thiếu Sơn dịch từ bản tiếng Pháp), Nxb Văn học, Hà Nội, 2004. Các trích dẫn trong bài lấy từ tài liệu này.
  2. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (Chủ biên) (2004), Từ điển Văn học, Nxb Thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh. (Mục Amixix, trang 32).
  3. Trần Bình Quan, “Ý kiến bạn đọc”; Nguồn: www.dongtamhoi.com; truy cập ngày 20 – 3 – 2015.
  4. Xem Hoài Thanh – Hoài Chân (1989), Một thời đại trong thi ca, trong Thơ mới 1932 – 1941, Nxb Văn học, Hà Nội.
  5. Bùi Thanh Truyền (Chủ biên) (2009), Thi pháp trong văn học thiếu nhi, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

 


[1] TS, Trường Đại học Sư phạm TPHCM

 
Dạy học văn học Việt Nam đai cương cho sinh viên ngành giáo dục Tiểu học theo hướng tự học PDF. In Email
Thứ hai, 14 Tháng 9 2015 00:14

DẠY HỌC VĂN HỌC VIỆT NAM ĐẠI CƯƠNG
CHO SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC TIỂU HỌC
THEO HƯỚNG TỰ HỌC

Nguyễn Thị Thu Thủy[*]

Tóm tắt: Là một thành tố quan trọng trong chương trình giáo dục đại học tiểu học Việt Nam, môn Văn học Việt Nam đại cương đang đáp ứng những yêu cầu mới, đó là hướng tới đào tạo kiến thức nghề và kỹ năng nghề cho người giáo viên tiểu học. Mục tiêu của môn học này đòi hỏi một chủ thể dạy học phải có những hiểu biết tổng quan về văn học Việt Nam, hình thành kỹ năng phân tích - tổng hợp về các giai đoạn, các tác giả, tác phẩm tiêu biểu; kỹ năng tiếp nhận tác phẩm văn học Việt Nam; kỹ năng dạy đọc, kể văn học ở trường tiểu học Việt Nam, ý thức tự học, tự nghiên cứu, thái độ trân trọng di sản văn học quý báu của dân tộc, ý thức giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt; khát vọng và nhiệt hứng nhân rộng những thái độ tình cảm tốt đẹp đối với văn học Việt Nam ở lứa tuổi tiểu học.

Từ khóa: Chương trình, văn học, đại cương, kiến thức nghề, kỹ năng nghề, kỹ năng phân tích, tổng hợp, kỹ năng tiếp nhận.

TEACHING INTRODUCTION TO VIETNAMESE LITERATURE
TO STUDENTS OF PRIMARY EDUCATION FOLLOWING A SELF-STUDY APPROACH

Abstract: An important part in tertiary primary education curriculum in Vietnam, the course Introduction to Vietnamese Literature is meeting new requirements, which focus on training primary school teachers with professional knowledge and skills. The objective of this course is to provide an overview of Vietnamese literature and to develop 1. skills for analysising and synthesizing various literary periods, authors, and notable works, 2. skills for perceiving Vietnamese literature, 3. pedagogical skills for storytelling and teaching reading at primary schools, 4. self-study and research skills, 5. respect and appreciation towards the Vietnamese literary heritage and the Vietnamese language (by preserving its purity and richness), 6. enthusiasm and the desire to instil nice sentiments towards Vietnamese literature in primary school students.

Keywords: syllabus, literature, introduction, professional knowledge, professional skills, analysising and synthesizing skills, perceiving skills.

1. Đặt vấn đề

Văn học nghệ thuật là một “vũ khí vô song” có vai trò quan trọng trong sự nghiệp trồng người, có tác dụng sâu sắc và lâu bền trong tâm hồn và trí tuệ bạn đọc. Đó là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống.

Trong chương trình giảng dạy ở khoa Giáo dục Tiểu học (Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh), các môn Văn học nói chung và môn Văn học Việt Nam đại cương là một thành tố quan trọng của chương trình đào tạo.

Nếu môn Ngữ văn và môn Tiếng Việt trong nhà trường phổ thông là góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh, phát triển kỹ năng ngôn ngữ bằng phương tiện đặc thù thì môn Văn ở trường Đại học Sư phạm thuộc chuyên ngành Giáo dục Tiểu học lại hướng tới đào tạo kiến thức nghề và kỹ năng nghề cho sinh viên, những giáo viên tiểu học tương lai.

2. Nội dung

2. 1. Chương trình Văn học Việt Nam đại cương cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học

2. 1. 1. Mục tiêu học phần

Thế kỷ XXI là thế kỷ của toàn cầu hóa, đa văn hóa, kỷ nguyên của sự phát triển thông tin khoa học và công nghệ. Văn học trong bối cảnh mới cũng phải đáp ứng những yêu cầu mới. “Dạy học văn trong thế kỷ XXI” đang là vấn đề được giới nghiên cứu quan tâm. Sự chuyển hướng của dạy học văn ở trường Đại học Sư phạm nhằm đáp ứng nhu cầu thời đại mới đang được đặt ra trong nhiều công trình nghiên cứu. Đặc biệt ở môi trường đào tạo giáo viên, sự chú trọng vào người thầy – chủ thể dạy mới phải được đặt ra như một nhu cầu cấp bách. Mục tiêu của môn học Văn học Việt Nam đại cương ở khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm đòi hỏi chủ thể dạy học phải có những hiểu biết tổng quan về văn học Việt Nam, kỹ năng phân tích - tổng hợp về các giai đoạn, các tác giả, tác phẩm văn học tiêu biểu; kỹ năng tiếp nhận tác phẩm văn học Việt Nam; kỹ năng dạy đọc, kể văn học ở trường tiểu học Việt Nam. Từ đó giúp sinh viên biết trân trọng di sản văn học quý báu của dân tộc; có thái độ quý trọng các giá trị nhân văn, biết yêu cái đẹp, có ý thức giữ gìn sự trong sáng và giàu đẹp của tiếng Việt; khát vọng và nhiệt hứng nhân rộng những thái độ tình cảm tốt đẹp đối với văn học Việt Nam ở lứa tuổi tiểu học. Như vậy, mục tiêu của chương trình đòi hỏi SV không chỉ rèn luyện phẩm chất của người thầy truyền thống mà còn phát triển các kỹ năng xã hội, giải quyết những vấn đề đặt ta từ đời sống thực tiễn.

2. 1. 2. Đặc điểm tri thức

Văn học Việt Nam đại cương trước hết là một môn có sự giao thoa rõ nét với lịch sử. Ví dụ: Giai đoạn văn học đầu thế kỷ XX có đặc điểm nổi bật về lịch sử là tồn tại và phát triển trong khuôn khổ của chế độ xã hội thực dân nửa phong kiến, có nền tảng văn học riêng, mỹ học riêng. Đây là “một phen thay đổi sơn hà” về cơ bản không thuận chiều nhưng rất mực lớn lao. Trong sự thay đổi chế độ xã hội này, các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra theo những phương hướng, nội dung, hình thức mới và cũng đã trải qua từ thất bại này đến thất bại khác, cuối cùng mới giành được độc lập dân tộc từ cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong hoàn cảnh “mưa Âu gió Mỹ”, điều kiện xã hội đã thay đổi, đời sống văn hóa, văn học so với trước đây cũng đã thay đổi lớn, bước vào xu hướng cách tân, hiện đại hóa. Như vậy, thông qua mỗi bài khái quát giai đoạn văn học, giảng viên không chỉ giới thiệu kiến thức đại cương mà còn hướng dẫn quan điểm nghiên cứu, học tập văn học sử. Ở đây, tri thức về văn chương được cung cấp một cách tổng hợp với các minh họa toàn diện, cụ thể, tiêu biểu cả về nội dung và nghệ thuật trong quan hệ kế thừa và phát triển, giúp SV không chỉ hiểu các sự kiện văn học ở từng giai đoạn mà trong cả một truyền thống lịch sử văn học của dân tộc. Có thể nói, học Văn học Việt Nam đại cương đồng thời giúp sinh viên và học viên ôn lại lịch sử dân tộc. Qua môn học này, người học cảm nhận được sự đóng góp quý báu của dân tộc ta vào kho tàng tri thức văn hóa, văn học nhân loại với bản sắc riêng độc đáo. Chẳng hạn, những hình tượng do văn học dân gian sáng tạo nên như bọc trăm trứng nở ra trăm người con là tổ tiên của các cộng đồng người trên đất nước ta, cậu bé làng Gióng lên ba bỗng vụt lên thành dũng sĩ, đánh tan giặc ngoại xâm rồi bay vút lên tận trời xanh không thèm danh lợi, chàng Sơn Tinh khổng lồ gánh núi chặn lũ sông Đà bảo vệ quê hương, làng xóm, hình ảnh con cò, dòng sông, chiếc thuyền, nhịp cầu trong ca dao… có giá trị thẩm mỹ to lớn, mang bản sắc dân tộc Việt Nam vẫn mãi mãi hấp dẫn lòng người hôm qua và hôm nay. Như vậy, Văn học Việt Nam đại cương là môn học hướng tới những điều chủ yếu, những điều có tính chất tổng quát. Trong đó tri thức văn học sử mang tính khái quát cao. Đó là tri thức khái quát về nền văn học Việt Nam trên bình diện cấu thành, bình diện tiến trình lịch sử, bình diện đặc điểm văn học. Môn Văn học Việt Nam đại cương giúp cho sinh viên có phương pháp phân tích, đánh giá văn chương từ giai đoạn đến tác gia, thể loại tác phẩm… theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử khi đặt hiện tượng văn chương đó vào hoàn cảnh đã sản sinh ra nó.

Văn học Việt Nam đại cương chú ý xác định các khái niệm cơ bản có tính phạm trù văn học sử nên mang tính trừu tượng. Ví dụ: Về thành phần cấu tạo phải gắn liền với các khái niệm: văn học dân tộc, văn học dân gian, văn học truyền miệng, văn học viết, văn học Hán, văn học Nôm, văn học Quốc ngữ… Về các thành tố văn hóa có liên quan đến văn học, ta bắt gặp các phạm trù: Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo, văn hóa Trung Hoa, văn hóa khu vực, văn hóa phương Tây… Mỗi bài giảng của môn học này, giảng viên luôn phải ở trong thế phân tích một nhận định, giới thuyết một khái niệm, một phạm trù, giải thích cơ sở khoa học của một quy luật phát triển của văn học.

Về đặc điểm cơ bản lại có các phạm trù khác như: văn hóa và bản lĩnh dân tộc, những kết tinh có ý nghĩa thẩm mỹ, con người Việt Nam qua văn học, hệ thống tín hiệu thẩm mỹ trong văn học, chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, nội dung dân chủ nhằm bồi đắp tâm hồn dân tộc và nhân văn cho học sinh. Những khái niệm này chính là chìa khóa để giải mã bản sắc văn học Việt Nam.

Văn học Việt nam đại cương là môn học chuyển tiếp từ Trung học phổ thông sang Văn học ở trường dạy nghề. Đối với chương trình phổ thông trung học, môn Ngữ văn được kéo dài trong ba năm học với qui trình từ bài tổng quan đến bài giảng văn thì chương trình đào tạo giáo viên tiểu học ở các trường Đại học Sư phạm, Văn học Việt Nam đại cương được coi là môn học cơ bản. Nhiệm vụ của môn học là cung cấp cho sinh viên và học viên kiến thức khái quát về văn học Việt Nam, văn học dân gian, văn học viết, giới thiệu và nhận xét cách tuyển chọn, sắp xếp văn học Việt Nam trong chương trình tiểu học; gợi ý hướng dẫn sinh viên đọc các tác phẩm văn học Việt Nam trong chương trình và sách giáo khoa Tiểu học.

Với đặc trưng và nhiệm vụ như trên, môn Văn học Việt Nam đại cương có vai trò rất quan trọng đối với mô hình dạy học tiếng Việt ở trường Tiểu học. Đây là bộ môn có khả năng mở rộng tầm nhìn, khung kiến thức của người giáo viên tiểu học.

Mỗi bài học trong môn Văn học Việt Nam đại cương có một mục tiêu cần đạt khác nhau. Chẳng hạn, với bài Khái quát về văn học Việt Nam, trong đó mục mở đầu là Việt Nam - từ đất nước, con người đến văn học, người học sẽ tiếp nhận được một cái nhìn toàn cục về dân tộc và đất nước của mình, từ đó khẳng định văn học in dấu ấn đậm nét tính cách Việt Nam. Kiến thức chủ đạo này sẽ soi sáng cho sinh viên và học viên trong nhìn nhận giá trị của văn học dân gian vốn là một kho tàng tri thức phong phú, phản ánh những vấn đề lịch sử đến những bài học triết lý đạo đức. Đó là nơi hội tụ những giá trị tinh thần của các dân tộc trên đất nước Việt Nam, tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc. Đây cũng là tri thức tích hợp của lịch sử, địa lý và văn hóa - một trong những yếu tố quan trọng để sinh viên và học viên có ngữ liệu để dạy tốt các môn Lịch sử, Địa lý ở trường Tiểu học. Hơn nữa kiến thức tổng quan này sẽ được nghiên cứu sâu ở Chương 3: Đặc điểm của văn học viết Việt Nam. Đặc biệt, khi người học tiếp cận với đặc điểm có tính chất nổi bật nhất của văn học Việt Nam: thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo và nội dung dân chủ. Trong chương trình dạy học Văn học Việt Nam ở trường đại học, các em sẽ có sự liên hệ, bổ sung phù hợp khi dạy các chủ điểm như: Thương người như thể thương thân qua các bài tập đọc, kể chuyện như Dế Mèn bênh vực kẻ yếu, Sự tích hồ Ba Bể, Mẹ ốm, Truyện cổ nước mình, Thư thăm bạn (Tiếng Việt 4 – tập1); hay qua các tiết Mở rộng vốn từ như: Nhân hậu – Đoàn kết cho học sinh tiểu học. Thấy được mạch ngầm này, người thầy bậc tiểu học sẽ có cách dẫn dắt học sinh hiểu bài tập đọc và có thể biến đổi, bổ sung cấu trúc sách giáo khoa Tiếng Việt cho phù hợp hơn với đối tượng dạy học nhằm phát huy sự hiểu biết về kiến thức văn học cho các em.

Ngoài ra có một mối dây liên hệ sâu sắc giữa kiến thức đại học và kiến thức tiểu học đi từ tầm khái quát đến cái nhìn cụ thể, từ mở rộng đến thu hẹp đạt đến mức giới hạn về kiến thức Tập đọc, Luyện từ và câu. Nếu chủ nghĩa nhân đạo là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của văn học viết Việt Nam thì điều đó cũng được thể hiện rõ nét trong chương trình tiểu học.

2.2. Dạy học Văn học Việt Nam đại cương cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học theo hướng tự học

2.2.1. Nội dung chương trình

Chương trình môn Văn học Việt Nam đại cương có các bài học sau:

- Kiểu bài tổng quan về văn học Việt Nam (01 bài)

- Kiểu bài khái quát về văn học dân gian (01 bài)

- Kiểu bài khái quát về thời kỳ văn học (04 bài)

- Kiểu bài khái quát về tác giả, tác phẩm (chọn một số tác giả tiêu biểu của văn học hiện đại). Tuy nhiên, do chương trình Tiếng Việt bậc tiểu học không học các ngữ liệu văn học trung đại nên phần này ở bậc Đại học chỉ dạy khái quát.

2.2.2. Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu học tập tích lũy về văn học Việt Nam

Trước hết, giảng viên phải tạo cơ hội cho người học tự đọc tác phẩm, tự đọc giáo trình, tóm tắt văn bản. Đọc tác phẩm và giáo trình là những hoạt động không thể thiếu trong tự học, tự nghiên cứu văn học Việt Nam đại cương. Để giúp sinh viên, học viên có vốn kiến thức về văn học Việt Nam làm tài liệu nghiên cứu học tập, tích lũy, chúng tôi đã giới thiệu các em tìm hiểu giáo trình, tài liệu tham khảo sau:

- Giáo trình Văn học của Dự án phát triển giáo viên Tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ấn hành năm 2007 là giáo trình bắt buộc.

- Giáo trình Văn học trung đại và hiện đại – sách Dự án đào tạo giáo viên Trung học cơ sở (xuất bản năm 2008) là tài liệu tham khảo,nhằm để mở rộng kiến thức.

- Ngoài ra, giảng viên cũng cần giới thiệu cho SV và HV một số tác phẩm được trích dẫn trong chương trình Tiếng Việt Tiểu học như: Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Truyện ngắn và tùy bút của Thạch Lam, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, ... các bài thơ của Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật, Võ Quảng, Định Hải…

Để sinh viên chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập và nghiên cứu cũng như hướng đến sự tương tác trong học tập, chúng tôi đã chia lớp học thành nhiều nhóm, phát phiếu học tập, yêu cầu các nhóm nghiên cứu các nội dung như: Tóm tắt bài văn học sử nhằm nắm bắt hệ thống luận điểm của văn học sử và xác định các tư liệu minh họa cho những luận điểm đó. Thông qua cách tự học này, sinh viên và học viên sẽ phải đọc tác phẩm văn học, phải biết chọn những luận điểm cần phải chứng minh, phân tích để hiểu sâu sắc hơn vấn đề.

Nhiệm vụ của giảng viên không phải là diễn giảng cái hay, cái đẹp của văn bản mà cần tổ chức các hoạt động và hỗ trợ để sinh viên, học viên tự phát hiện ra cái hay, cái đẹp đó. Giảng viên cần giúp sinh viên, học viên thấy được người đọc là một chủ thể tiếp nhận năng động, sáng tạo và quá trình đọc, hiểu tác phẩm văn học mang dấu ấn riêng của từng độc giả. Giảng viên cũng cần để người học tự ghi chép những cảm xúc và suy nghĩ của mình sau khi đọc tác phẩm và phải tôn trọng những ý kiến, quan điểm của các em.

2.2.3. Soạn hệ thống bài tập cho sinh viên và học viên

Nhằm hình thành phương pháp tự học và khắc sâu kiến thức khái quát về lịch sử văn học Việt Nam và rèn luyện năng lực người nghiên cứu của người giáo viên trong tương lai, chúng tôi hướng dẫn sinh viên, học viên làm một số bài tập sau:

- Bằng sự hiểu biết về thơ,văn, anh/chị hãy giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.

- Tác dụng của văn học dân gian đối với học sinh tiểu học.

- Nêu nhận xét về thị hiếu của học sinh tiểu học đối với ca dao (đa số các em thích loại ca dao nào? Vì sao?).

- Việc giảng dạy truyện cổ tích cho học sinh tiểu học có những thuận lợi và khó khăn như thế nào? Tìm hiểu kinh nghiệm giảng dạy truyện cổ tích của một giáo viên tiểu học.

- So sánh truyện cổ tích dân gian và truyện cổ tích viết lại.

- Anh/chị hãy phân tích các bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ ” của Trần Quốc Tuấn và “ Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi để làm rõ sự phát triển của chủ nghĩa yêu nước trong văn học Việt Nam trong giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XV.

- Phân tích “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi và “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh để chỉ ra sự khác nhau giữa văn học trung đại và văn học hiện đại.

- Từ việc phân tích bài thơ “Tương tư chiều” của Xuân Diệu và “Nhớ ” của Nguyễn Đình Thi, anh/chị hãy chỉ rõ sự khác nhau của văn học lãng mạn và văn học cách mạng.

2.2.4. Hình thành kỹ năng thuyết trình về các tác gia, tác phẩm

Nhằm giúp người học có kỹ năng thuyết trình, rèn kỹ năng giảng dạy sau này, tùy vào từng nội dung bài học, chúng tôi yêu cầu các em phải thuyết trình. Nội dung thuyết trình là các giai đoạn và các tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam liên quan tới chương trình tiểu học. Ví dụ: Văn học dân gian và các tác phẩm văn học dân gian trong chương trình tiểu học; thể loại câu đố và câu đố trong chương trình Tiếng Việt tiểu học; Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và thơ văn của Người dành cho thiếu nhi; Thạch Lam và tác phẩm của ông trong chương trình tiểu học v. v… Thời gian dành để thuyết trình có thể từ 3 đến 5 phút, nhưng đây là những phút giây vàng ngọc giúp các em tự tin khi đi thực tập sư phạm cũng là tiền đề để các em giảng dạy tốt sau này.

2.2.5. Hình thành kỹ năng bình giảng về một số tác phẩm Văn học Việt Nam trong sách giáo khoa tiểu học

Khác với nội dung đọc - hiểu có trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, nội dung chương trình Văn học Việt Nam đại cương ở khoa Tiểu học, trường Đại học không nặng về bình giảng, nhưng chúng nhằm rèn luyện kỹ năng nói trước tập thể và năng lực cảm thụ, đánh giá tác phẩm văn học, chúng tôi yêu cầu sinh viên bình giảng một số văn bản như: Bài ca dao Hoa sen (Tiếng Việt 2), Quà đồng nội (Tiếng Việt 3), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Tiếng Việt 4), Bầm ơi (Tiếng Việt 5), Quang cảnh làng mạc ngày mùa (Tiếng Việt 5)… Qua những tiết thực hành này, sinh viên rèn luyện khả năng diễn đạt, có khả năng cảm thụ văn học tốt và tự chiếm lĩnh tác phẩm văn học. Đây là hành trang quí báu cho người học đi vào thực tiễn giảng dạy sau này.

2.2.6. Về kiểm tra đánh giá

Để tạo hứng thú và động lực học tập cho người học, giảng viên cần chú ý đánh giá điểm quá trình và điểm tổng kết một cách khách quan, chính xác.

Điểm quá trình và điểm tổng kết cũng nên sử dụng nhiều kênh khác nhau. Ví dụ: Thông qua việc thuyết trình hay bình giảng, tóm tắt và phân tích tác phẩm cho điểm quá trình để đánh giá năng lực tự học của sinh viên và học viên.

Để kiểm tra việc tự học, tự nghiên cứu của người học, giảng viên có thể chọn bất cứ một văn bản văn học nào để ra đề, không nhất thiết là văn bản sinh viên, học viên đã được học.

Đề thi cũng nên chú trọng năng lực đọc văn và năng lực phân tích các luận điểm, nhận định văn học nhằm phục vụ cho môn học đại cương có khả năng vận dụng vào dạy học ở tiểu học.

3. Kết luận

Việc hiểu biết tri thức môn Văn học Việt Nam đại cương và việc đa dạng hóa các hình thức dạy học môn học này giúp người học có được cái nhìn đa chiều và kiến thức sâu, rộng về nền văn học dân tộc. Bên cạnh đó, môn học sẽ giúp các em có được khả năng cảm thụ và tư duy văn học, có ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc Việt Nam. Và điều quan trọng nhất là giúp các em có ý thức tự học, tự nghiên cứu cũng như rèn kỹ năng nghề cho sinh viên và học viên khoa Giáo dục Tiểu học, nhằm giúp họ có kiến thức vững vàng, phương pháp sư phạm mẫu mực sau khi ra trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ giáo dục và Đào tạo (2001), Văn học, Giáo trình đào tạo giáo viên tiểu học hệ CĐSP và SP 12+2, NXB Giáo dục.
  2. Phan Trọng Luận (2004), Phương pháp dạy học văn ( tập 1 và 2), Nxb ĐHSP.
  3. Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình (2004), Lý Luận văn học, Nxb Giáo dục.
  4. Bùi Mạnh Hùng (2014), “Phác thảo chương trình ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực”, Tạp chí khoa học giáo dục, Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Cao Đức Tiến (chủ biên) (2007), Văn học, Dự án Phát triển giáo viên tiểu học, Nxb Giáo dục
  6. Lê Trí Viễn (1984), Đặc điểm có tính qui luật của lịch sử văn học Việt Nam, Nxb ĐHSP TP.HCM.

 


[*] TS, Trường ĐH Sư phạm Tp. HCM

 
Mở rộng vốn từ và dạy học nghĩa từ cho học sinh Tiểu học PDF. In Email
Chủ nhật, 13 Tháng 9 2015 23:51

Vũ Thị Ân *

Tóm tắt: Sự lĩnh hội từ ngữ của học sinh tiểu học là một quá trình từ đơn giản đến phức tạp, từ phạm vi hẹp đến phạm vi rộng... Bài viết này bàn về việc mở rộng vốn từ trong sự tích hợp với dạy học nghĩa từ cho học sinh tiểu học. Việc vận dụng linh hoạt các cách thức cụ thể với những thao tác đơn giản trong mở rộng vốn từ và dạy nghĩa của từ là những vấn đề mà giáo viên cần quan tâm một cách thường xuyên, liên tục và tích hợp trong dạy học các phân môn Tiếng Việt nói riêng và dạy học các môn học khác nói chung.

Từ khóa: nghĩa từ, trường nghĩa, dạy học nghĩa từ, học sinh tiểu học.

 

ENRICHING VOCABULARY AND TEACHING THE MEANINGS OF NEW WORDS

TO PRIMARY SCHOOL STUDENTS

Abstract: The process of building up vocabulary of primary school children moves from simple to more complicated aspects, and from small to larger scales. This paper discusses the process of enriching vocabulary integrated with teaching the meanings of new words to primary school students. Flexible application of specific ways combined with simple strategies in building up vocabulary and teaching meanings of new words is what teachers should focus on frequently and continuously in their teaching of subjects related to Vietnamese language in particular and other science subjects in general.

Keywords: meanings of new words, semantic field, teaching the meanings of new words, primary school students.

 

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em nói chung và học sinh tiểu học nói riêng là một quá trình liên tục. Quá trình đó đi từ đơn giản đến phức tạp tùy thuộc vào nhận thức, vào hoàn cảnh sống, vào nhiệm vụ học tập của các em ở từng giai đoạn. Sự lĩnh hội về từ vựng – một đơn vị ngôn ngữ nằm trong quy luật ấy.

Ban đầu là việc nhận biết những từ có cấu tạo đơn giản (từ đơn đơn âm) như nhà, bàn, chạy, chơi, đỏ, vui; sau là nhận biết và sử dụng các từ có cấu tạo phức tạp hơn (từ láy, từ ghép) như nhà cửa, nhà hàng, chạy nhảy, chạy chọt, vui chơi, vui miệng, vui vẻ, xanh đỏ, xanh xao, xanh rờn Vốn từ của các em được mở rộng dần cùng quá trình tiếp nhận các nội dung học tập ở từng khối lớp, quá trình giao tiếp ở những phạm vi rộng hơn. Bắt đầu là những từ ngữ biểu thị các sự vật hiện tượng, các hoạt động, trạng thái, tính chất… mang nghĩa cụ thể như: hoa, đi, vàng, đẹp, lom khom, tí tách, v.v.. Sau là những từ ngữ biểu thị các khái niệm trừu tượng như: tình cảm, phát triển, tự hào, can đảm, lầm lì, cần cù, kiên trì Từ chỗ nhận biết nghĩa gốc – cái nghĩa không giải thích được lí do của tên gọi – của từ như: mắt (đôi mắt); mọc (cây mọc); đẹp (áo đẹp, tranh đẹp…), nhạt (canh nhạt, xanh nhạt…), dâng (nước dâng đầy)… các em biết xác định nghĩa chuyển như: mắt (mắt xích, mắt lưới), mọc (trăng mọc, mọc răng), đẹp (cử chỉ đẹp, đẹp nết), tươi (nụ cười tươi), nhạt (cười nhạt), dâng (dâng hương; dâng một quả xôi đầy – TV5)…

[ … [1] ]

 


* TS, Trường Đại học Sư phạm TPHCM

[1] Toàn văn được đăng từ trang 64 Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TPHCM, số 6 (71)/2015

 
Tiêu đề văn bản sách giáo khoa Tiếng Việt tiểu học và việc sử dụng tiêu đề trong dạy họ dọc hiểu có hướng dẫn cho học sinh Tiểu học PDF. In Email
Chủ nhật, 13 Tháng 9 2015 23:32

TIÊU ĐỀ VĂN BẢN SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG VIỆT TIỂU HỌC

VÀ VIỆC SỬ DỤNG TIÊU ĐỀ TRONG DẠY HỌC ĐỌC HIỂU

CÓ HƯỚNG DẪN CHO HỌC SINH TIỂU HỌC

Nguyễn Lương Hải Như *

Tóm tắt: Bài viết trình bày một số đặc điểm của tiêu đề (TĐ) các văn bản trong sách giáo khoa Tiếng Việt ở tiểu học (TH) nhằm tìm hiểu những ảnh hưởng của TĐ đối với khả năng đọc hiểu văn bản của HS. Từ đó, đề xuất một số cách thức sử dụng TĐ văn bản trong dạy học đọc hiểu cho học sinh (HS) TH theo mô hình dạy đọc có hướng dẫn.

Từ khóa: tiêu đề văn bản, dạy đọc có hướng dẫn, dạy học ở tiểu học.

TEXT HEADINGS IN VIETNAMESE LANGUAGE TEXTBOOKS
AND THE USE OF HEADINGS IN TEACHING GUIDED READING COMPREHENSION
TO PRIMARY SCHOOL STUDENTS

Abstract: The article presents some characteristics of headings in texts in Vietnamese Language textbooks for primary education to investigate the impacts of headings on students’ reading comprehension. Thence, it suggests several usages of headings in texts in teaching guided reading comprehension to primary school students

Keywords: text heading, teaching guided reading comprehension, primary education.

Tiêu đề của văn bản là một vấn đề đã được nghiên cứu khá nhiều và sâu trong các giáo trình về ngữ pháp văn bản [1; 3; 4; 5]. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng tiêu đề như thế nào trong dạy học văn bản, nhất là dạy đọc hiểu văn bản thì dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Một khảo sát nhỏ, mới nhất của chúng tôi cho thấy 81,25%1 HS lớp 4 tỏ ra không quan tâm, và không tìm thấy mối liên hệ giữa tiêu đề của bài Tập đọc và văn bản mà mình đã học trước đó. Còn về phía giáo viên thì hầu hết chỉ sử dụng TĐ khi giới thiệu tên của bài đọc. Thực trạng này cho thấy việc không chú tâm của cả giáo viên và HS đối với việc sử dụng TĐ trong đọc hiểu văn bản.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu ở nước ngoài đã chỉ ra rằng: sử dụng TĐ văn bản là một trong những chiến lược dạy học đọc hiểu rất quan trọng, nhất là trong dạy đọc ban đầu [9; 12; 13; 14]. Chính vì thế, bài viết này sẽ tìm hiểu về hai vấn đề: (1) TĐ văn bản trong sách giáo khoa Tiếng Việt ở tiểu học (SGK TV ở TH), và (2) việc sử dụng TĐ văn bản như một chiến lược dạy học đọc hiểu cho HS TH.

[ … [1] ]

 


* ThS, Trường Đại học Sư phạm TPHCM

[1] Toàn văn được đăng từ trang 54 Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TPHCM, số 6 (71)/2015

 


Trang 1 trong tổng số 2