French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SƯ PHẠM
  
Trang chủ Đổi mới Giáo dục & Đào tạo
Đổi mới giáo dục: "Bắt đầu từ chính chúng ta" PDF. In Email
Thứ bảy, 09 Tháng 9 2017 19:20

Chuyến công tác của Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng với các trường tiểu học, phổ thông, đại học tới các nước Bắc Âu ngay trước thềm năm học mới đã gợi ra nhiều vấn đề của giáo dục.

Mục tiêu quan trọng là hình thành nhân cách con người

Ông Olli-Pekka Heinoen, Tổng Vụ trưởng Cơ quan quốc gia về giáo dục Phần Lan cho biết, mặc dù được đánh giá là có nền giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới, nước này vẫn không ngừng đổi mới giáo dục. Dưới thời của nữ Bộ trưởng Sanni Grahn Lassnosen, một chương trình giáo dục phổ thông vừa thông qua trên quy mô toàn quốc vào năm 2016.

đổi mới giáo dục, Phùng Xuân Nhạ, khai giảng, giáo dục Phần Lan

Ông Olli-Pekka Heinoen, Tổng Vụ trưởng Cơ quan quốc gia về giáo

dục Phần Lan

Con người giờ đây đã có thể sống đến trăm tuổi, và do đó vòng đời “sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm rồi về hưu” sẽ được “quay” theo một cách khác. Đón đầu cho xã hội tương lai khi trí tuệ nhân tạo phát triển, Phần Lan xác định 7 kỹ năng cốt lõi để hình thành nên những cá nhân “giàu tính người và có trách nhiệm công dân” trong tương lai.

Trái tim con người quan trọng hơn tất thảy. Những tố chất của con người mà máy móc không có được như ham học hỏi, ham hiểu biết, đồng cảm với người khác sẽ là mục tiêu mà giáo dục vun đắp” – ông Olli-Pekka Heinoen cho hay.

Còn bà Anneli Rautiainen, Giám đốc Trung tâm đổi mới giáo dục cho biết: “Có rất nhiều vấn đề xảy ra trong xã hội, chúng tôi muốn phát triển lòng nhân ái của học sinh; muốn mỗi học sinh như cá nhân trọn vẹn, không chỉ thấy vấn đề của cộng đồng mình mà còn cả cộng đồng thế giới”.

Do đó, mục tiêu quan trọng trọng trong việc học là tự chủ, học qua tương tác, học cả đời và giúp cho học sinh tự nhận biết mình và tự tin.

Đặt niềm tin ở giáo viên

Chia sẻ thêm về những gì mà nước này đang làm, bà Anile cho biết, học sinh Phần Lan có khá nhiều thời gian dành cho gia đình (số giờ học trên lớp khoảng 19 – 20 giờ mỗi tuần). Vì vậy, ở trường quan trọng nhất là dạy cho trẻ biết tự học.

đổi mới giáo dục, Phùng Xuân Nhạ, khai giảng, giáo dục Phần Lan

Bà Anneli, Giám đốc trung tâm đổi mới giáo dục

Mục tiêu của giáo dục Phần Lan đang chuyển đổi từ “học cái gì” sang “học thế nào”. Trong quá trình này, học sinh và giáo viên được trao đổi nhiều hơn. Từ một chương trình gọn nhẹ của cả nước, hiệu trưởng và giáo viên sẽ biến đổi cho phù hợp, chủ động xây dựng kế hoạch bài giảng cho mình.

Giáo viên thích hợp với đòi hỏi này khá nhanh. Bên cạnh đó, công nghệ giúp cho những người còn lại chuyển đổi nhanh nhất. Ở mỗi trường, đều có giáo viên chủ đạo về công nghệ để hướng dẫn những giáo viên khác.

Trả lời câu hỏi của một thành viên trong đoàn “Khi chuyển mục tiêu giáo dục từ “học cái gì” sang “học thế nào” thì Phần Lan đã thay đổi giáo viên ra sao", bà Anile trả lời: Mỗi hiệu trưởng sẽ có một cách, để giáo viên học tập lẫn nhau, tạo ra cơ hội tự phát triển bản thân.

Trao đổi về việc “có phải Phần Lan hiện nay đã xoá bỏ các môn học hay không”, bà Anni cho biết: “Chúng tôi vẫn có các môn học, mỗi môn đều có thời gian học tập nhất định. Nhưng chúng tôi để giáo viên toán và âm nhạc làm việc cùng nhau, tạo thêm trải nghiệm cho học sinh”.

đổi mới giáo dục, Phùng Xuân Nhạ, khai giảng, giáo dục Phần Lan
Trong một giờ học tại trường phổ thông ở Helsinki.

Như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hoá Phần Lan giới thiệu, bí mật thành công của giáo dục nước này nằm ở đội ngũ giáo viên chất lượng cao, được tuyển chọn chặt chẽ. Lương giáo viên ở Phần Lan không cao bằng bác sĩ, nhưng nghề giáo là nghề cao quý và được xã hội tôn trọng.

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/doi-moi-giao-duc-chuyen-gia-phan-lan-khuyen-bat-dau-tu-chinh-minh-396873.html

 
Những thay đổi tích cực, hiệu quả trong dạy học ngoại ngữ ở đại học PDF. In Email
Thứ hai, 14 Tháng 8 2017 20:49

GD&TĐ - Năm học vừa qua, việc triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2015 (Đề án 2020) đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực và hiệu quả hơn.

Những thay đổi tích cực, hiệu quả trong dạy học ngoại ngữ ở đại học

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hầu hết các cơ sở đào tạo đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho từng ngành đào tạo, đổi mới chương trình môn học, phương pháp giảng dạy, phương thức đánh giá năng lực tổng hợp cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết;

Tạo môi trường học tập, sinh hoạt ngoại khoá bằng ngoại ngữ nhằm đảm bảo sinh viên ra trường đạt được chuẩn đầu ra về ngoại ngữ; tích cực triển khai xây dựng các khung chương trình, hệ thống tài liệu giảng dạy có ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm dạy và học ngoại ngữ, giáo án điện tử.

Nhiều trường tiếp tục đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ trực tuyến; phát triển mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ tại các khoa, bộ môn.

Một số cơ sở đào tạo đã xây dựng và ban hành được công cụ đánh giá năng lực ngoại ngữ tiệm cận với chuẩn quốc tế, quy định rõ việc miễn hoặc công nhận mức độ tương đương khi sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để công nhận trong chương trình đào tạo chính khoá. Việc này đã khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy sinh viên tự học để đạt chuẩn.

Các cơ sở đào tạo ngành tiếng nước ngoài đã tăng cường năng lực khảo thí, triển khai thi và cấp chứng nhận của trường theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Các trường được giao nhiệm vụ rà soát năng lực ngoại ngữ của giảng viên trong khuôn khổ Đề án 2020 đã chủ động phối hợp với các địa phương để triển khai đánh giá năng lực ngoại ngữ của các giáo viên trên địa bàn; đồng thời cũng quan tâm, tạo điều kiện cho giảng viên, giáo viên ngoại ngữ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ.

Ngoài 35 chương trình trình tiên tiến, một số trường đã thực hiện các chương trình LKĐT quốc tế, chương trình chất lượng cao dạy hoàn toàn hoặc một số môn học bằng tiếng Anh cũng như một số ngôn ngữ khác.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ GD&ĐT, công tác hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án 2020 tại các địa phương, Bộ, ngành và các cơ sở đào tạo còn chậm, thiếu sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chủ quản, của địa phương nơi đặt trường.

Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách phù hợp dành cho đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ chưa đuợc thực hiện một các toàn diện.

Số lượng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ của các trường cao đẳng, đại học được cử đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn ngắn hoặc dài hạn ở nước ngoài còn thấp so với mục tiêu đề ra, hoạt động bồi dưỡng cán bộ, giảng viên tại các đơn vị thụ hưởng Đề án chưa thực sự đạt được hiệu quả.

Chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học tiếng Anh ở các cơ sở đào tạo chưa được triển khai và thực hiện đồng bộ theo mục tiêu của Đề án. Việc dạy tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở đào tạo chưa hiệu quả dẫn đến nhiều sinh viên trước khi và thậm chí sau khi tốt nghiệp ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục đại học năm học 2017 – 2018. Theo đó sẽ thực hiện việc nâng số lượng các chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc một số học phần bằng tiếng Anh

Đồng thời, chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ trong các cơ sở đào tạo; tập trung triển khai các giải pháp dạy và học ngoại ngữ tăng cường đảm bảo hiệu quả, từng bước nâng cao chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên theo mục tiêu của Đề án 2020.

Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhung-thay-doi-tich-cuc-hieu-qua-trong-day-hoc-ngoai-ngu-o-dai-hoc-3662127-v.html

 
Các trường sư phạm chủ động đón đầu để bắt nhịp đổi mới giáo dục phổ thông PDF. In Email
Thứ hai, 14 Tháng 8 2017 20:45

GD&TĐ - Chương trình giáo dục phổ thông mới đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho việc tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các trường sư phạm: rà soát chương trình đào tạo, bám thật sát vào chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tăng tính thực hành, thực tế, giảm tính hàn lâm; đầu tư sâu thêm vào những ngành mới, những môn học mới xuất hiện ở bậc học phổ thông để đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên…

Sinh viên trong giờ thực hành.

Sinh viên trong giờ thực hành.

Đổi mới quản lý và tổ chức hoạt động

PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Thực tế tổ chức hoạt động của các trường sư phạm hiện nay có một nhược điểm lớn là tách biệt khoa học cơ bản và khoa học giáo dục. Trên thực tế đã hình thành hai nhóm giảng viên tách rời: nhóm dạy các môn khoa học giáo dục và nhóm dạy nội dung khoa học cơ bản. Các nhóm giảng viên này hiện đang được cấu tạo thành các bộ môn riêng lẻ ở các khoa, các tổ chuyên môn.

Do vậy, để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chuyên ngành thì cấu trúc tổ chức này là tốt, nhưng để giải quyết vấn đề mới như nghiên cứu khoa học liên ngành hay xây dựng, triển khai chương trình dạy tích hợp thì đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều này thúc đẩy một tầm tư duy mới về thiết kế tổ chức trường/khoa sư phạm để đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển giáo dục”.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo PGS.TS Lê Quang Sơn là do “các trường sư phạm vẫn làm theo cách cũ là giữ lại SV giỏi – vốn được đào tạo ra làm giáo viên phổ thông, để tự đào tạo và bồi dưỡng, học tiếp thạc sĩ, tiến sĩ và trở thành giảng viên. Một số giảng viên sư phạm được đào tạo “một mạch” từ cử nhân đến tiến sĩ, thiếu trải nghiệm thực tế nghề nghiệp. Mặc dù đội ngũ giảng viên này có học vị, có kiến thức lý thuyết nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp là chuyên gia giáo dục đại học và chưa có sức thuyết phục cao đối với giáo viên phổ thông”.

PGS.TS Nguyễn Đức Vũ - trường ĐH Sư phạm Huế, ĐH Huế đã kiến nghị: “Đối với những SV sư phạm được giữ lại trường làm giảng viên phải thực hiện theo quy trình: học ngoại ngữ và tham gia nghiên cứu giáo dục phổ thông từ 1-2 năm, sau đó mới học thạc sĩ, tiến sĩ. Hoặc SV sau khi ở lại trường học xong thạc sĩ, được luân chuyển về làm giáo viên phổ thông 1 – 2 năm, sau đó mới trở lại trường làm tiến sĩ”.

Chính vì vậy, các trường đại học sư phạm (ĐHSP), nhất là các trường ĐHSP trọng điểm, bắt đầu có những thay đổi có tính hệ thống để thích ứng, trước hết là ở công tác quản lý và tổ chức hoạt động. Để chương trình đào tạo giáo viên sát với thực tế, phù hợp với yêu cầu giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới vào thời gian tới, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ĐH Đà Nẵng đẩy mạnh việc trao đổi kinh nghiệm với giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục thuộc các Sở GD&ĐT trong khu vực.

PGS.TS Lưu Trang – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc trao đổi không chỉ thông qua việc tổ chức các khóa bồi dưỡng giáo viên theo chương trình thường xuyên và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục phổ thông, mà còn qua các đợt thực tập sư phạm của sinh viên nhằm nắm bắt những vướng mắc, hay nhu cầu của địa phương để điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo cho phù hợp với việc đào tạo giáo viên giảng dạy học sinh theo hướng phát triển năng lực”.

Hiện trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện 12 chương trình đào tạo giáo viên (khối ngành sư phạm), chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục theo hướng liên thông, thống nhất với các trường sư phạm trọng điểm. Công tác nghiên cứu khoa học giáo dục của nhà trường cũng được tăng cường theo hướng đổi mới dạy và học, kiểm tra đánh giá, phát huy tính năng động, tích cực, trải nghiệm sáng tạo cho học sinh.

“Chúng tôi đã xây dựng được kế hoạch, chuẩn đầu ra, chương trình chi tiết về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý căn cứ cách tiếp cận định hướng phát triển năng lực của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo các chuẩn nghề nghiệp mới và yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”- PGS.TS Lưu Trang chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, các trường ĐHSP trọng điểm đã chủ động ngồi lại với nhau, “Chúng tôi đã chuẩn bị xây dựng chương trình đổi mới chương trình đào tạo đồng thời xây dựng các chuyên đề để bồi dưỡng giáo viên phổ thông hiện có. Năm 2014, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã khởi xướng và đã áp dụng việc này, Hiện tại, trong 7 trường sư phạm đã thống nhất sử dụng 70% chương trình do trường chúng tôi xây dựng”.

Sẵn sàng cho bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại

Thiết kế các chương trình bồi dưỡng giảng viên về dạy học tích hợp đang được xem là ưu tiên hàng đầu trong các trường sư phạm hiện nay. Các trường đại học sư phạm còn chủ động triển khai chương trình đào tạo về năng lực dạy học tích hợp cho SV sư phạm, thiết kế quy trình dạy học theo hướng tích hợp, thực hiện dạy học tích hợp một số chủ đề ở các môn học khác nhau. Như trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, trong xây dựng khung chương trình đào tạo cũng như đề cương chi tiết môn học của các ngành Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học đã chú ý đến dạy học tích hợp bằng cách đưa môn khoa học liên quan trong nhóm Khoa học tự nhiên vào khối kiến thức cơ sở.

Ngoài việc trang bị cho SV những kiến thức cơ bản về lĩnh vực khoa học tự nhiên, SV còn được cung cấp những kiến thức về dạy học tích hợp và dạy học phân hóa. Riêng chuyên đề Khoa học tự nhiên được thiết kế chung cho cả 3 ngành và giảng viên phải tiến hành dạy học tích hợp để SV có trải nghiệm để có thể phân tích, rút ra bài học có thể áp dụng sau này khi dạy ở trường phổ thông. Trường ĐHSP Hà Nội cũng đang triển khai tiến trình đào tạo dạy học tích hợp, liên môn cho SV các khoa Vật lý, Hóa học và Sinh học.

TS Phùng Thái Dương, trường ĐHSP Đồng Tháp cho biết, để SV có thể bắt nhịp ngay sự đổi mới ở phổ thông và có thể giảng dạy ngay, không cần tập huấn thêm thì cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung cả trong quá trình học tập tại trường sư phạm cũng như thời gian thực tập. “Trước đây, hầu hết SV khi đi thực tập đặt tầm quan trọng giáo án lên hàng đầu; nhưng để đáp ứng được yêu cầu đổi mới của giáo dục phổ thông lần này, thì khi đến trường phổ thông, SV cần chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tổ chức dự án nghiên cứu, học tập thực tế…” – TS Dương phân tích.

Thời điểm năm 2014, theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, các trường ĐHSP trọng điểm đã cùng nhau dự tính môn học mới theo xu thế thế giới, những chuyên đề như tích hợp, hoạt động trải nghiệm, kinh tế và pháp luật, thiết kế và công nghệ cũng đã có sự chuẩn bị phần nào rồi.

Một số môn liên quan về nghệ thuật cũng đã được trường ĐHSP Hà Nội đặt ra nên SV ra trường từ năm 2018 ở các khoa, ngành này sẽ bảo đảm chất lượng. “Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho những môn học này cũng đã được chúng tôi xây dựng thành các chuyên đề và gửi cho nhiều Sở để lấy ý kiến phản hổi. Các trường sư phạm đã và đang vào cuộc quyết liệt nên việc chuẩn bị đội ngũ GV, theo tôi là không quá lo lắng” – GS Minh chia sẻ.

Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/cac-truong-su-pham-chu-dong-don-dau-de-bat-nhip-doi-moi-giao-duc-pho-thong-3666275-b.html

 
Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông PDF. In Email
Thứ hai, 14 Tháng 8 2017 20:42

GD&TĐ - “Phát huy năng lực của người học, vận dụng có hiệu quả kiến thức và thực tiễn, đáp ứng cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Chính vì vậy chương trình đào tạo giáo viên ở trường sư phạm cần phải được hiệu chỉnh cho phù hợp nhằm cung cấp sản phầm đầu ra cho ngành giáo dục – đạo tạo những người thầy có đủ trình độ và năng lực vận hành có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới”, PGS.TS. Trần Xuân Bách – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhìn nhận.

Sinh viên ngành sư phạm cần được trang bị, rèn luyện hệ thống các năng lực, kỹ năng, cùng với các năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Sinh viên ngành sư phạm cần được trang bị, rèn luyện hệ thống các năng lực, kỹ năng, cùng với các năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Xây dựng định hướng cho chương trình giáo dục

Theo PGS.TS. Trần Xuân Bách – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), một xã hội phát triển theo nền kinh tế tri thức dựa trên tri thức đòi hỏi yêu cầu cơ bản là phải có đội ngũ giáo viên có trình độ của người giáo viên và chất lượng giáo dục ngày càng cao.

Xu thế toàn cầu hóa về giáo dục đặt ra cho nhà trường phổ thông hiện nay nhiệm vụ phải đào tạo học sinh trở thành những người có khả năng sống, làm việc, và mưu cầu hạnh phúc trong một thế giới luôn có nhiều thay đổi. Giáo viên trong nhà trường phổ thông là những người có vị thế quan sát một cách rõ ràng nhất những tác động của chương trình đào tạo tới thế hệ trẻ.

PGS.TS. Trần Xuân Bách chia sẻ: Nhà giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai - những người chuẩn bị những công dân toàn cầu cho một thế giới luôn thay đổi, vì vậy mục tiêu đào tạo người thầy mới phải đáp ứng yêu cầu luôn mới. Giáo viên nói riêng, nhà trường phổ thông nói chung là người có vị thế quan sát một cách rõ ràng nhất những tác động của nhà trường tới thế hệ trẻ. Do vậy, các cơ sở đào tạo giáo viên tương lai cần chú trọng đào tạo người giáo viên có tầm nhìn hướng ra thế giới, có bản lĩnh và có hoài bão.

Để có thể đạt được những mục tiêu trên, các cơ sở đào tạo giáo viên tương lai khi phát triển chương trình đào tạo giáo viên cần hướng vào việc phát triển năng lực cũng như nâng cao phẩm chất cho giáo viên tương lai để họ có thể đáp ứng các yêu cầu của một nền giáo dục luôn thay đổi.

Theo đó, các trường sư phạm cần có những định hướng chính cho chương trình giáo dục. Nhà trường phổ thông có trách nhiệm đảm bảo cho mọi công dân được trang bị những kiến thức đủ để tìm cho mình một vị trí phù hợp trong công việc, trong gia đình và trong cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu này, nhà trường, từng giáo viên phải nhận biết đặc điểm của từng học sinh trong tập thể học sinh ngày càng đa dạng, giúp các em theo những lộ trình khác nhau tiến tới thành công trong học tập. Tất cả học sinh học xong bậc phổ thông cần có tấm bằng tốt nghiệp, được xem như tờ giấy thông hành để bước vào cuộc sống của người trưởng thành. Các em có thể học tiếp ở bậc đại học hoặc tham gia vào cuộc sống lao động

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/doi-moi-dao-tao-giao-vien-dap-ung-yeu-cau-doi-moi-giao-duc-pho-thong-3665991-c.html

 
Thảm hại điểm chuẩn sư phạm: Đổi mới sẽ gặp khó! PDF. In Email
Thứ hai, 14 Tháng 8 2017 20:40

Trong bối cảnh ngành giáo dục đang đổi mới, chất lượng giáo viên là yếu tố quyết định. Điểm chuẩn đầu vào thấp dẫn đến chất lượng giáo viên kém, khó tiếp cận cái mới, cái tiến bộ. Đổi mới sẽ gặp khó, khả năng thất bại cao. Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Như Dân trí đã phản ánh, trái ngược với việc nhiều trường y, quân đội, công an có mức điểm trúng tuyển rất cao, thậm chí 29 điểm vẫn có khả năng trượt đại học thì khối các trường ĐH có đào tạo ngành sư phạm điểm chuẩn ở mức thấp kỉ lục.

Trong số các trường đầu ngành đào tạo giáo viên trong cả nước chỉ những trường đại học sư phạm trọng điểm như trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP HCM có điểm trúng tuyển dao động ở mức từ 17 - 20 điểm thì hầu hết các trường sư phạm còn lại điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT.

Thậm chí, ở khối trường cao đẳng sư phạm địa phương, nhiều trường có mức trúng tuyển là 9-10 điểm, đã bao gồm điểm cộng. Như vậy, thí sinh chỉ cần được 3 điểm mỗi môn là trúng tuyển.

 

Cần có chính sách đãi ngộ khác biệt đối với đội ngũ giáo viên hiện nay

Cần có chính sách đãi ngộ khác biệt đối với đội ngũ giáo viên hiện nay

Thảm hại sư phạm

Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Đinh Quang Báo nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã phải thốt lên: "Điểm chuẩn các trường sư phạm thấp chỉ bằng điểm sàn của bộ đó là một thảm hại. Mọi sự thành công của nền giáo dục của một quốc gia phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải giỏi thì chất lượng giáo dục của quốc gia ấy mới tốt được".

GS Báo cho rằng, giáo viên muốn có chất lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quan trọng nhất là đào tạo và bồi dưỡng. Muốn đào tạo bồi dưỡng tốt thì đầu vào phải chất lượng phải cao. Chất lượng đào tạo đầu vào không cao thì đào tạo ra sản phẩm không bao giờ cao.

"Nếu điểm sàn vào trường sư phạm thấp như vậy thì chúng ta phải có đột phá về chính sách. Đó là kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển. Ví dụ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Singapore... các nước có nền giáo dục phát triển này đã rút ra một kinh nghiệm xương máu là phải đầu tư vào giáo viên. Để chọn được người giỏi nhất phổ thông thì phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng" - GS Báo nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, so với các ngành công an, quân đội điểm chuẩn cao mà điểm đầu vào trường sư phạm thấp như vậy đúng là thảm hại, rất gay cho ngành sư phạm. Thầy giáo mà dốt thì học trò cũng dốt. Muốn thầy giáo giỏi thì trước hết phải đào tạo người giỏi và lúc đó học sinh phổ thông mới giỏi.

GS Dong băn khoăn, tại sao những trường đại học hiện đại hóa nhanh thế mà các trường sư phạm lại chậm đổi mới, kém về mặt công nghệ, đào tạo lạc hậu. Vừa đào tạo yếu, sinh viên ra trường lại thất nghiệp nhiều.

"Đáng lý ra, nhà nước mình phải có đầu tư cho sư phạm, và phải có chiến lược đào tạo sư phạm. Nhà nước phải có chủ trương về đào tạo sư phạm thì mới lôi cuốn người giỏi vào học. Phải có chính sách để đào tạo giáo viên xong không để cho thất nghiệp, bố trí việc làm ngay thì mới tạo ra được lòng tin cho giới trẻ" - GS Dong nhấn mạnh.

Phải có chính sách đãi ngộ nếu không khó "ngóc" lên được

Trao đổi với PV Dân trí, giáo viên Trần Mạnh Tùng, trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội thì cho biết, trong bối cảnh ngành giáo dục đang đổi mới, chất lượng giáo viên là yếu tố quyết định. Điểm chuẩn thấp dẫn đến chất lượng giáo viên kém, khó tiếp cận cái mới, cái tiến bộ. Đổi mới sẽ gặp khó, khả năng thất bại cao.

"Năng lực của giáo viên kém thì chất lượng đào tạo cũng kém theo, đầu ra kém dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực cũng đi xuống" - ông Tùng nhấn mạnh.

Giáo dục vẫn được coi là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Điểm chuẩn thấp dẫn đến việc đầu tư cho giáo dục không còn được như trước? Ảnh hưởng đến các chính sách và quan niệm.

Hình ảnh người thầy không còn được như trước dẫn đến hiệu ứng xấu đi trong việc giáo dục và đào tạo.

Chính vì vậy, thầy giáo Tùng cho rằng nguyên nhân hàng đầu là do lượng giáo viên thất nghiệp đang ở tỉ lệ rất cao. Lượng giáo viên trong biên chế đang dư thừa. Trung bình cứ 2 người về hưu mới có 1 người mới vào. Bên cạnh đó, việc tuyển vào biên chế ngành giáo dục rất khó khăn, phức tạp và tốn kém. Giáo viên ra trường phải chờ đợi rất lâu, chỉ tiêu cũng không phản ánh đúng nhu cầu thực tế (Nơi thiếu vẫn bảo thừa, nơi thừa vẫn tuyển thêm như đang thiếu)

Thầy giáo Tùng cho hay, chế độ đãi ngộ với nhà giáo vẫn ở mức thấp. Lương giáo viên THPT mới ra trường khoảng 3 triệu trong khi, với những ngành khác, sinh viên ra trường thường làm với mức lương 7, 8 triệu trở lên. Trong khi đó, công việc của nhà giáo là phức tạp và vất vả, tốn nhiều thời gian. Giáo viên hầu như không làm thêm được việc gì khác.

Một nguyên nhân quan trọng nữa theo thầy Tùng có thể là vấn đề tâm lý. Vừa rồi, Bộ rục rịch đưa ra ý kiến bỏ biên chế giáo viên, điều này làm cho học sinh không yên tâm khi đăng ký sư phạm. Thế mạnh của ngành sư phạm là sự ổn định, nếu việc bỏ biên chế được áp dụng, ngành sư phạm đương nhiên không còn hấp dẫn nữa.

Để khắc phục được thực trạng này, thầy Tùng kiến nghị: "Trước hết giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Không nên tuyển sinh ồ ạt, tuyển sinh bằng mọi giá. Sáp nhập các trường sư phạm. Chỉ để lại các trường có thế mạnh, có đủ điều kiện đào tạo đáp ứng đượng nhu cầu đổi mới. Tăng đãi ngộ với giáo viên (ngang với ngành công an, quân đội)".

Theo GS Phạm Tất Dong, ngành sư phạm phải tập trung những nhà khoa học giỏi vào giảng dạy. Đặc biệt, trường sư phạm phải đi đầu trong các công nghệ. Sư phạm cần phải có đổi mới quyết liệt về chương trình, chính sách và phải có đầu tư thích đáng. Nếu để như hiện nay thì ngành sư phạm không "ngóc" lên được. Do đó, phải có chính sách khác đối với sư phạm.

Đặc biệt, đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Dong cho rằng, đào tạo giáo viên phải đi trước một bước. Đào tạo giáo viên chương trình nào thì ra dạy chương trình đó thì mới đáp ứng được yêu cầu.

Nguồn thông tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tham-hai-diem-chuan-su-pham-doi-moi-se-gap-kho-20170808223359511.htm

 
«Bắt đầuLùi1234567Tiếp theoCuối»

Trang 1 trong tổng số 7


 Truy Cập 

 Giáo dục và Thời đại 

 Giáo dục Việt Nam 

 Giáo dục TP.HCM 

 Trường học kết nối 

 PISA - OECD