French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SƯ PHẠM
  
Trang chủ Đổi mới Giáo dục & Đào tạo
Dự kiến áp dụng chương trình SGK mới ở các lớp đầu cấp PDF. In Email
Thứ bảy, 25 Tháng 3 2017 17:30

Tại buổi họp báo vào chiều 24/3, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho biết, phấn đấu đến tháng 9/2017 dự thảo được phê duyệt. Khi thực hiện, dự kiến sẽ áp dụng kiểu cuốn chiếu và có thể bắt đầu từ các lớp đầu cấp: lớp 1, lớp 6. lớp 10.

Dự kiến áp dụng trước cho lớp 1, lớp 6, lớp 10

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, so với chương trình hiện hành, dự thảo đổi mới SGK có một số điểm mới như:

Thứ nhất, chương trình đổi mới SGK góp phần định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, trong đó tập trung chủ yếu vào cấp trung học phổ thông.

Cụ thể: "Lớp 10 sẽ là lớp dự hướng giúp các em học sinh có được những sự chuẩn bị nhất định để chọn hướng nghiệp cho đúng khi đến lớp 11, 12.

Lớp 11, 12 sẽ giúp các em học sinh có định hướng đúng về nghề nghiệp, bảo đảm học sinh được tiếp cận nghề nghiệp mà các em muốn theo đuổi".

Theo GS, nếu học dàn trải như hiện nay sẽ không đảm bảo định hướng nghề nghiệp. Vì vậy từ lớp 11 và lớp 12 ngoài một số môn bắt buộc như giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì các môn còn lại sẽ được học sinh tự chọn. Mỗi học sinh sẽ tự chọn 5 môn còn lại phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình.

 

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình SGK mới
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình SGK mới

 

GS Thuyết cũng cho rằng, so với chương trình hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được xây dựng theo phương pháp sơ đồ ngược, tức là xây dựng dựa trên việc xác định nhu cầu, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra chứ không phải dựa từ nội dung đào tạo.

Bên cạnh đó, chương trình mới cũng được xây dựng theo quy trình của xây dựng chính sách, nghĩa là có nghiên cứu đánh giá tác động. Bất cứ điểm nào mới của chương trình đều phải có nghiên cứu đánh giá tác động tới GV, HS, ngân sách và xã hội thì mới có thể quyết định.

Trả lời câu hỏi khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, sẽ được thực hiện theo phương pháp nào? GS Thuyết cho hay, từ trước đến nay, chúng ta đều áp dụng kiểu cuốn chiếu và có thể sẽ bắt đầu áp dụng cho các lớp đầu cấp là lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Sau đó, mới áp dụng cho các khối lớp khác.

Cần chuẩn bị cơ sở vật chất

Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là liệu đầu năm học 2018-2019 việc triển khai chương trình đổi mới SGK có kịp thực hiện hay không? "Bộ GD& ĐT khẳng định, có thể thực hiện được và phấn đấu đến tháng 9/2017 dự thảo được phê duyệt".

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, để đảm bảo chương trình đổi mới SGK được đưa vào đúng thời gian như Nghị quyết của Quốc hội khóa 13 nêu ra, Chính phủ phải có thời gian làm việc với lãnh đạo địa phương để yêu cầu địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện chương trình mới.

Về đội ngũ giáo viên, hiện tại, Bộ GD&ĐT đã có dự án đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên, có tài liệu tập huấn, xây dựng trang web đào tạo giáo viên. Về trang thiết bị trường học, phải chờ có chương trình, các đơn vị mới sản xuất.

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc nhất, theo GS Thuyết chính là sự chuẩn bị cơ sở vật chất của địa phương. Theo thiết kế chương trình mới, học sinh tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ 47% các trường TH học được 10 buổi/tuần. Trên 30% chỉ học 6 buổi/tuần. Có trên 20% TH không học nổi 6 buổi/tuần, chỉ học 5 buổi/tuần.

"Ngay trung tâm Hà Nội, Hải Phòng vẫn phải học luân phiên. Khối 1 đi học thì khối 2 ở nhà. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ GD&ĐT, Chính phủ sau khi chương trình mới có rồi, trong quá trình chuẩn bị GSK mới phải làm việc với các địa phương để giải quyết vấn đề này. Giáo dục là quốc sách hàng đầu mà không quan tâm tới cơ sở vật chất thì khó có thể thành công", GS Thuyết nói.

Nguồn thông tin: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/du-kien-ap-dung-chuong-trinh-sgk-moi-o-cac-lop-dau-cap-20170325073221176.htm

 
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thay đổi mạnh nhất ở cấp THPT PDF. In Email
Thứ bảy, 25 Tháng 3 2017 17:16

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới khẳng định, chương trình - SGK mới vẫn sẽ áp dụng từ năm học 2018-2019 theo đúng kế hoạch đề ra trong nghị quyết của Quốc hội.

Trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ GD-ĐT chiều 24/3, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, cho tới ngày 24/1, ban soạn thảo đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chương trình khung) và chuyển hội đồng quốc gia để thẩm định.

Từ 20-24/2, hội đồng thẩm định đã họp và biểu quyết thông qua dự thảo. Cho tới ngày 14/3 vừa rồi, ban soạn thảo đã hoàn thiện bản cuối cùng để chuyển tới Vụ Pháp chế của Bộ GD-ĐT cho ý kiến trước khi trình lên Bộ trưởng.

Dự kiến, cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới đây, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được công bố để lấy ý kiến rộng rãi.

GS Thuyết cũng khẳng định là với tiến độ hiện này thì chương trình - sách giáo khoa (SGK) mới vẫn sẽ được triển khai bắt đầu từ năm học 2018-2019 theo kế hoạch.

"Chúng tôi đang phấn đấu đến tháng 9/2017 thì chương trình sẽ được phê duyệt. Với thời gian này, bộ SGK do Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức biên soạn là kịp để triển khai" - GS Thuyết cho hay.

chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa
GS Nguyễn Minh Thuyết trả lời tại họp báo chiều 24/3. Ảnh: Lê Văn.

GS Thuyết cũng kiến nghị phải tạo điều kiện để các tổ chức cá nhân khác viết SGK. Bên cạnh đó, cần phải có thời gian để Chính phủ làm việc với lãnh đạo các địa phương trong việc chuẩn bị đầy đủ điều kiện để thực hiện chương trình mới, từ đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất.

"Chúng tôi hết sức cố gắng để đảm bảo tiến độ. Nhưng quan trọng hơn là phải đảm bảo chất lượng. Nếu cảm thấy còn điều gì cần củng cố thì chúng tôi sẽ báo cáo Ban Bí thư và Quốc hội để có cách xử lý hợp lý".

Cần đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất

Trả lời câu hỏi về việc chuẩn bị điều kiện đi kèm để triển khai chương trình - SGK mới thành công, GS Thuyết cho biết, về đội ngũ giáo viên, hiện tại, Bộ GD-ĐT đã có dự án ETEP đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên.

Các trường sư phạm cũng đang tiến hành đổi mới chương trình đào tạo sư phạm. Ban phát triển chương trình cũng được giao nhiệm vụ sau khi xây dựng chương trình sẽ viết các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên và tham gia trực tiếp công tác này.

Vấn đề vướng mắc nhất, theo GS Thuyết chính là sự chuẩn bị cơ sở vật chất của địa phương. Theo thiết kế chương trình mới, học sinh tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ 47% các trường TH học được 10 buổi/tuần. Trên 30% chỉ học 6 buổi/tuần. Có trên 20% TH không học nổi 6 buổi/tuần, chỉ học 5 buổi/tuần.

"Ngay trung tâm Hà Nội, Hải Phòng vẫn phải học luân phiên. Khối 1 đi học thì khối 2 ở nhà" - GS Thuyết cho hay.

Ông Thuyết cho rằng, cần phải khắc phục tình trạng này mới đảm bảo việc triển khai chương trình mới thành công. Trách nhiệm chính là của các địa phương.

"Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT, Chính phủ sau khi chương trình mới có rồi, trong quá trình chuẩn bị GSK mới phải làm việc với các địa phương để giải quyết vấn đề này" - GS Thuyết nói. "Giáo dục là quốc sách hàng đầu mà không quan tâm tới cơ sở vật chất thì khó có thể thành công".

Xây dựng theo quy trình ban hành chính sách

Nói về điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới đang được soạn thảo, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết của Quốc hội là hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Điểm mới nhất của chương trình là ở bậc THPT, cụ thể, lớp 10 sẽ được coi là lớp dự hướng giúp học sinh có được sự chuẩn bị để chọn hướng nghề nghiệp cho đúng. Lớp 11 và 12 là giáo dục định hướng nghề nghiệp, đảm bảo học sinh tiếp cận nghề nghiệp, đào tạo có chất lượng sau THPT.

GS Thuyết cũng cho biết, định hướng này cũng là lý do chương trình mới giảm số môn học của học sinh ở bậc THPT.

Cụ thể, ngoài một số môn bắt buộc như giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, học sinh bậc THPT chỉ phải chọn 5 môn trong số các môn còn lại để phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Cùng với đó, các môn bắt buộc cũng thiên về hoạt động thực tế hơn là học lý thuyết.

Theo GS Thuyết, so với chương trình hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được xây dựng theo phương pháp sơ đồ ngược, tức là xây dựng dựa trên việc xác định nhu cầu, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra chứ không phải dựa từ nội dung đào tạo.

Bên cạnh đó, chương trình mới cũng được xây dựng theo quy trình của xây dựng chính sách, nghĩa là có nghiên cứu đánh giá tác động. Bất cứ điểm nào mới của chương trình đều phải có nghiên cứu đánh giá tác động tới GV, HS, ngân sách và xã hội thì mới có thể quyết định.

Nguồn thông tin: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-se-co-du-thao-cuoi-thang-3-363223.html

 
Khi học sinh được thầy cô nhường bục giảng PDF. In Email
Thứ ba, 07 Tháng 3 2017 20:34

GD&TĐ - Nhằm cho học sinh (HS) có những trải nghiệm đáng quý với nghề giáo, để từ đó các em thêm trân quý hơn nghề giáo, đồng thời góp phần định hướng nghề nghiệp cho HS, mới đây Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) đã tổ chức chương trình “Một ngày làm giáo viên” với sự tham gia của 195 HS các khối lớp.

Khi học sinh được thầy cô nhường bục giảng

Các em sẽ trải qua những công việc của một giáo viên, như chuẩn bị giáo án, lên lớp trong 45 phút với bài học tự chọn ở các bộ môn (bài chưa được các thầy cô giảng dạy) với sự hướng dẫn của các cô giáo bộ môn và giáo sinh thực tập.

Đứng trên bục giảng để hiểu hơn về người thầy

Trước giờ lên lớp, nhiều bạn học sinh của Trường Nguyễn Du tỏ ra khá háo hức, thêm vào đó là có chút hồi hộp lo lắng khi lần đầu tiên được đứng trên bục giảng, lần đầu tiên được làm thầy, làm cô. Để chuẩn bị cho 45 phút giảng bài, theo các em phải tốn công sức, thời gian bỏ ra để soạn giáo án, để tập dượt.

Em Minh Đan, lớp 12A4 giảng tiết Tiếng Anh bài Women in Society cho lớp mình, tâm sự: “Em chuẩn bị mất mấy ngày, thử đi thử lại vẫn còn hồi hộp. Em nghĩ đứng trên bục giảng các thầy cô rất cần sự tôn trọng, cần học sinh chăm chú lắng nghe, nếu một bạn nào đó trong lớp không chăm chú, thầy cô sẽ buồn biết bao. Qua việc thử làm giáo viên, chúng em hiểu hơn, trân trọng hơn, yêu quý hơn, đồng cảm hơn với công việc trồng người của các thầy cô”.

Tiết học Địa lý do “thầy giáo” Dương Thái Cảnh lớp 10C1 phụ trách có tên Một số hình thức chủ yếu của tổ chức lãnh thổ công nghiệp, được mở đầu bằng một trò chơi nhỏ. Thái Cảnh cho các bạn đoán từ bằng tiếng Anh liên quan đến bài học, mở đầu có phần hơi rụt rè, chút hồi hộp, tuy nhiên sau đó Thái Cảnh quen dần và đã hoàn thành bài giảng của mình.

Lúc “thầy giáo” trẻ đặt câu hỏi, không một cánh tay nào giơ lên, bạn đã phải cứng rắn với yêu cầu: Nếu bạn nào thầy chỉ định hỏi, trả lời sai trừ 1 điểm vào bài 15 phút. Nếu bạn nào xung phong trả lời đúng thầy sẽ cộng ưu tiên 1 điểm vào bài 1 tiết… khiến các bạn của lớp 10C1 ồ lên vì bất ngờ.

Với sự hỗ trợ của máy chiếu cũng như các bảng biểu sinh động, bài giảng được các bạn trong lớp đánh giá “khá tốt, khá dễ hiểu, tuy nhiên, bạn còn hơi ấp úng, chắc do run quá”.

Kết thúc bài giảng, Cảnh chia sẻ: Em vẫn còn run, vẫn hồi hộp. Giờ em mới hiểu được để có thể lên lớp giảng dạy cho tụi em những kiến thức hay với một tiết học bị bó buộc về thời gian, các thầy cô đã vất vả như thế nào. Đặc biệt là những tình huống như cô giáo hỏi không ai chịu xung phong phát biểu, hay ồn ào trong lớp. Trải nghiệm mới thấy không phải ai cũng có thể làm thầy giáo mà đó là cả quá trình đam mê, theo đuổi, học tập, rèn luyện về tri thức, đạo đức.

Tương tự, tiết học Ngữ văn của “cô giáo” Hoàng Nguyễn Gia Linh, HS lớp 12A4 giảng về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu được các bạn trong lớp cũng như thầy cô giáo bộ môn khen ngợi. Phong thái tự tin, giọng nói rõ ràng, dễ nghe và sự chuẩn bị bài giảng kĩ đã giúp Gia Linh hoàn thành tốt 45 phút lên lớp của mình.

Cô bé nói với vẻ hào hứng còn hiện rõ. “Em vẫn còn run lắm ạ, đây là lần đầu tiên em làm cô giáo, mọi thứ thật khác ngày thường. Em thấy để giảng bài, để truyền đạt kiến thức cho các bạn ngồi ở dưới hiểu đúng là không hề dễ dàng. Đặc biệt là xử lý các tình huống trong lớp học. Có câu hỏi các bạn hỏi em chỉ biết cười, không biết trả lời ra sao. Có đứng ở trên lớp mới thấy được, thầy cô càng được tôn trọng, kính trọng ra sao”.

Trò trưởng thành hơn

Dự tiết giảng của học sinh Gia Linh, lớp 12A4, cô Nguyễn Thị Huệ, giáo viên bộ môn Ngữ văn của trường đánh giá, với cách dạy của Gia Linh, về cơ bản bài học đã được truyền tải đầy đủ về mặt kiến thức cho cả lớp. Em Linh trông chững chạc, nói lưu loát, đồng thời biết vận dụng nhiều câu hỏi thực tiễn vào bài học như câu “nhân vật nhìn thấy người chồng đang đánh vợ, vậy nếu là bạn, bạn sẽ làm gì” hay hỏi một bạn đam mê chụp ảnh ở lớp chia sẻ về đam mê của mình… Nếu có bổ sung, tôi chỉ cần thêm một chút về các câu hỏi nâng cao để các em hiểu sâu hơn.

Khác với Gia Linh, không có giáo viên bộ môn dự tiết dạy, bạn Lương Thoại Quỳnh, lớp 12A3 đã khá vất vả để có thể hoàn thành 45 phút với bài Quần xã Sinh vật của môn Sinh học.

Khi đặt câu hỏi, các bạn trong lớp không tham gia vào bài học, khi Thoại Quỳnh thấy hai bạn trong lớp nói chuyện riêng, rồi ba bạn, em đã phải hét lên “cả lớp trật tự”. Có hai bạn dùng điện thoại, Thoại Quỳnh đã phải ngừng lời giảng của mình để nhắc nhở.

Kết thúc tiết dạy, em nói: “Nhìn chung các bạn cũng hỗ trợ em, nhưng khi thấy lớp ồn em đã không kiềm chế được, mà phải hét lên yêu cầu im lặng. Lúc thấy bạn dùng điện thoại, thực sự em rất muốn đuổi bạn ra khỏi lớp… Qua đó, em mới thấy, ở lớp nếu trò ồn ào, trò không chú ý nghe giảng, làm việc riêng thầy cô buồn và thất vọng như thế nào. Em thấy mình hiểu thêm rất nhiều về nghề, thấy mình trưởng thành hơn trong suy nghĩ, thấy có chút tự tin và em thực sự rất ngưỡng mộ thầy cô giáo của mình”.

Đồng quan điểm với các giáo viên, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, ngoài tổ chức chương trình để các em trải nghiệm, hiểu và trân quý với nghề hơn, đây cũng là dịp để tôn vinh nghề giáo, để truyền lửa cho những học sinh có đam mê theo đuổi nghề giáo.

Thầy nhấn mạnh: “Chúng tôi hi vọng, qua chương trình này các em sẽ hiểu hơn về thầy cô, giúp các em trưởng thành hơn, lớn hơn trong suy nghĩ, từ đó lan tỏa đi thông điệp rằng học sinh đến trường chăm ngoan, lắng nghe giảng, tham gia vào bài học chính là sự thành công của tiết dạy, chính là trôn trọng giáo viên và tôn trọng chính bản thân mình”.

Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/khi-hoc-sinh-duoc-thay-co-nhuong-buc-giang-3002532-b.html

 
Cần sớm sửa luật Giáo dục đại học PDF. In Email
Thứ tư, 15 Tháng 2 2017 13:51

 

Theo nhiều chuyên gia, để giáo dục đại học tiếp cận được với xu hướng phát triển của thế giới thì cần phải sửa càng sớm càng tốt luật Giáo dục đại học.

Cần điều chỉnh luật cho cho phù hợp với những hoạt động thực tế ở trường ĐH  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Gắn mác “phi lợi nhuận” để có lợi
Có nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT định nghĩa lại khái niệm trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận theo đúng thông lệ quốc tế. Theo đó, trường đại học (ĐH) không vì lợi nhuận phải đúng là một tổ chức không vì lợi nhuận, nghĩa là không có cổ đông và không chia lời nếu có. Trong khi đó, luật Giáo dục ĐH hiện hành quy định cơ sở giáo dục ĐH mà các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn nếu được hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ thì vẫn được xem là ĐH không vì lợi nhuận.
Theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Trường ĐH FPT, với định nghĩa trên và cùng một số quy định khác trong luật, việc “lách luật” của các trường là rất dễ. Thực tế nhiều trường đã tìm cách lách để lợi dụng, từ đó nảy sinh nhiều hệ lụy. Chẳng hạn trường tuyên bố phi lợi nhuận nhưng cổ đông vẫn được chia lãi, đồng thời chính các cổ đông lại được một số lợi ích khác. Đã vậy, các trường phi lợi nhuận vẫn có thể lách chia lãi suất cho cổ đông cao hơn mức quy định bằng cách trả lương thưởng cao cho các cổ đông hoặc chuyển lợi nhuận thông qua các hợp đồng với công ty sân sau. Trước thực tế này, nhiều trường lợi nhuận đã bị cổ đông “ép” phải chuyển sang phi lợi nhuận. Đây là cơ sở nảy sinh những bất đồng nội bộ liên miên của các trường ĐH tư thục, làm ồn ào dư luận trong thời gian qua.

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://thanhnien.vn/giao-duc/can-som-sua-luat-giao-duc-dai-hoc-791430.html

 

 
Đào tạo tiến sĩ ngày càng siết chặt PDF. In Email
Thứ năm, 09 Tháng 2 2017 08:55

Bộ GD-ĐT vừa công bố quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ trong đó đưa ra nhiều quy định chặt chẽ về điều kiện tuyển sinh, người hướng dẫn cũng như điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh (NCS).

Có TOEFL, IELTS mới được làm tiến sĩ

Theo dự thảo thông tư mới, muốn học tiến sĩ, các ứng viên phải có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi. Theo quy định cũ, những người tốt nghiệp đại học loại khá cũng có thể ứng tuyển tiến sĩ.

Điểm mới trong yêu cầu "đầu vào" là các ứng viên phải là tác giả hoặc đồng tối thiểu 01 bài báo liên quan đến lĩnh vực hoặc đề tài nghiên cứu dự kiến đăng trên các tạp chí thuộc danh mục các tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc 01 báo cáo đăng tại kỷ yếu của các hội nghị, hội thảo khoa học trong hoặc ngoài nước.

Các bài báo hoặc báo cáo này được đăng tải trong thời hạn 03 nămtính đến ngày đăng ký dự tuyển.

Ngoài ra, về yêu cầu tiếng Anh, dự thảo mới cũng không sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn châu Âu hiện được 10 trường ĐH thi và cấp chứng chỉ như trước đây. Thay vào đó là yêu cầu về chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL và IELTS.

Cụ thể, các ứng viên phải đảm bảo có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên hoặc Chứng chỉ TOEIC từ 500 điểm trở lên do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) kể từ ngày cấp đến ngày đăng ký dự tuyển.

Dự thảo mới cũng quy định rõ các yêu cầu đối với các học viên là người nước ngoài.

Trong quy trình xét tuyển, quy định mới cho phép trong trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ sở đào tạo yêu cầu người dự tuyển trình bày đề cương nghiên cứu bằng tiếng nước ngoài, kết hợp phỏng vấn bằng tiếng nước ngoài để kiểm tra năng lực ngoại ngữ thực tế của người dự tuyển.

Thời gian đào tạo không quá 5-6 năm

Dự thảo thông tư mới có khá nhiều quy định mới liên quan tới chương trình đào tạo tiến sĩ.

Thời gian đào tạo tiến sĩ vẫn là 3-4 năm tùy từng đối tượng (có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học). Tuy nhiên, thời gian để nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo bao gồm thời gian gia hạn (tối đa 2 năm) là từ 5 năm đến 6 năm kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh.

Theo quy định hiện hành, tổng thời gian hoàn thành chương trình của nghiên cứu sinh có thể kéo dài tới 7-8 năm.

Khối lượng học tập cũng có quy định mới phù hợp với Khung năng lực trình độ quốc gia mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Cụ thể, khối lượng học tập chương trình tiến sĩ tối thiểu từ 90 tín chỉ đối vối nghiên cứu sinh có bằng tốt nghiệp thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp đại học chương trình đào tạo có khối lượng học tập tối thiểu 150 tín chỉ, đáp ứng chuẩn đầu ra tương đương Bậc 7 của Khung trình độ quốc gia Việt Nam (ví dụ đào tạo bác sĩ - PV) và từ 120 tín chỉ đối với nghiên cứu sinh có bằng tốt nghiệp đại học.

Chuẩn đầu ra phải đáp ứng các yêu cầu của Bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Người hướng dẫn phải có công bố quốc tế

Các tiêu chuẩn, điều kiện đối với người hướng dẫn nghiên cứu sinh cũng được nâng cao so với quy định hiện hành.

Cụ thể, người hướng dẫn chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư hoặc có bằng tiến sĩ khoa học hoặc tiến sĩ, chuyên môn phù hợp với đề tài luận án hoặc lĩnh vực nghiên cứu của nghiên cứu sinh.

Đối với người chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư thì phải có tối thiểu 5 năm nghiên cứu hoặc giảng dạy kể từ khi được cấp bằng tiến sĩ khoa học hoặc tiến sĩ. Theo quy định cũ, đối tượng này chỉ cần đảm bảo tối thiểu 3 năm.

Bên cạnh đó, người hướng dẫn phải chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ và tương đương trở lên.

Điểm quan trọng nhất đối với điều kiện của người hướng dẫn NCS chính là, họ phải có tối thiểu 1 bài báo đăng trên các tạp chí ISI hoặc Scopus hoặc 1 sách tham khảo của các nhà xuất bản nước ngoài có mã số chuẩn quốc tế ISBN.

Nếu không đạt điều kiện trên, người hướng dẫn cũng có thể có 2 báo cáo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện khác thuộc lĩnh vực nghiên cứu liên quan tới đề tài luận án của NCS.

Trường hợp người hướng dẫn độc lập là tiến sĩ nhưng chưa có chức danh GS, PGS thì tiêu chuẩn nêu trên tăng gấp đôi.

Mỗi NCS được phép có 2 người hướng dẫn, trong đó, có ít nhất 1 người hướng dẫn là giảng viên cơ hữu của cơ sở đào tạo và một người đảm bảo các điều kiện đối với người hướng dẫn

Trường hợp người hướng dẫn là nước ngoài hoặc nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài thì không phải thực hiện quy định nêu trên.

Quy định mới cũng cho phép các GS, PGS được hướng dẫn đồng thời nhiều NCS hơn so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, quy định mới yêu cầu người hướng dẫn không được nhận thêm nghiên cứu sinh mới nếu trong vòng 6 năm tính đến thời điểm giao nhiệm vụ có 2 NCS không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc luận án không được hội đồng cấp trường/viện thông qua.

Đào tạo tiến sĩ ngày càng siết chặt
Theo quy định mới NCS phải có ít nhất 2 bài báo quốc tế mới được bảo vệ luận án tiến sĩ.

2 bài báo quốc tế mới được bảo vệ luận án

Quy định mới về điều kiện bảo vệ luận án của NCS cũng được thắt chặt hơn so với trước.

Cụ thể, quy định mới yêu cầu NCS phải công bố nội dung và kết quả nghiên cứu của luận án trong tối thiểu 2 bài báo, trong đó có ít nhất 1 bài đăng trong tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus hoặc 2 báo cáo đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện (Peer Review) hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện khác.

Lộ trình áp dụng quy định mới

Thời gian áp dụng những quy định mới sẽ áp dụng đối với các khóa tuyển sinh sau thời điểm quy chế có hiệu lực. Các khóa tuyển sinh trước vẫn thực hiện theo quy định cũ.

Đối với các quy định mới, có 2 phương án thực hiện. Phương án 1 là yêu cầu phải có bài báo quốc tế đối với người hướng dẫn NCS sẽ được thực hiện cho các khóa tuyển sinh từ sau 31/12/2018. Yêu cầu có công bố quốc tế mới được bảo vệ luận án tiến sĩ sẽ được áp dụng cho các khóa tuyển sinh sau 31/12/2019.

Phương án 2, người hướng dẫn chỉ cần có 1 báo cáo đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 1 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện trong vòng 5 năm chứ không cần phải có một công bố quốc tế trên các tạp chí ISI hoặc Scopus. Quy định này áp dụng đối với các lĩnh vực khoa học tự nhiên kỹ thuật và công nghệ. Thời gian áp dụng từ khi quy định mới có hiệu lực đến hết 31/12/2018.

Đối với NCS, cho đến hết 31/12/2019, chỉ cần có tối thiểu qua 01 báo cáo đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện (Peer Review) hoặc 01 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện khác chứ không cần tối thiểu 2 bài báo quốc tế. Quy định này cũng chỉ áp dụng đối với các lĩnh vực khoa học tự nhiên kỹ thuật và công nghệ.

Từ sau 2 thời điểm trên, các điều kiện và yêu cầu với người hướng dẫn và NCS được thực hiện như quy định mới và với tất cả các ngành, lĩnh vực, không phân biệt KHTN-KT-CN hay KHXH-NV.

Nguồn thông tin: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/siet-chat-quy-dinh-dao-tao-tien-si-353706.html

 
«Bắt đầuLùi1234567Tiếp theoCuối»

Trang 4 trong tổng số 7


 Truy Cập 

 Giáo dục và Thời đại 

 Giáo dục Việt Nam 

 Giáo dục TP.HCM 

 Trường học kết nối 

 PISA - OECD