French (Fr)简体中文English (United Kingdom)

TRUNG TÂM PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SƯ PHẠM
  
Trang chủ Đổi mới Giáo dục & Đào tạo
Công bố Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã được chỉnh sửa, hoàn thiện PDF. In Email
Thứ hai, 31 Tháng 7 2017 15:12

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT vừa thông qua CTGDPT tổng thể đã được chỉnh sửa, hoàn thiện. Đây là căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Thời gian thực học trong một năm học theo CTGDPT tương đương 35 tuần.

Thời gian thực học trong một năm học theo CTGDPT tương đương 35 tuần.

CTGDPT được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Hệ thống môn học và hoạt động giáo dục của CTGDPT gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn.

Thời gian thực học trong một năm học tương đương 35 tuần. Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày. Cơ sở giáo dục tổ chức dạy học 1 buổi/ngày và 2 buổi/ngày đều phải thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất đối với tất cả cơ sở giáo dục trong cả nước.

Giai đoạn giáo dục cơ bản: giảm tải mạnh nội dung, tăng hoạt động trải nghiệm

Cấp tiểu học, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); Lịch sử và Địa lý (ở lớp 4, lớp 5); Khoa học (ở lớp 4, lớp 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm (trong đó có nội dung giáo dục của địa phương);

Nội dung môn học Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần (mô-đun); nội dung Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2). b) Thời lượng giáo dục Thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Mỗi tiết học từ 35 phút đến 40 phút; giữa các tiết học có thời gian nghỉ.

Cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Cấp THCS, nội dung giáo dục: các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Mỗi môn học Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; ở lớp 8 và lớp 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Thời lượng giáo dục: Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học. Mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Khuyến khích các trường trung học cơ sở đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: nhiều lựa chọn cho mục tiêu hướng nghiệp

Nội dung giáo dục: Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; GDQP-AN; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Môn Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn: Nhóm môn Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Nhóm môn Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học; Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật. Nội dung mỗi môn học thuộc nhóm này được thiết kế thành các học phần, học sinh được lựa chọn học phần phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn.

Các chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập từ 10 đến 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn là 35 tiết. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.

Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường. Học sinh có thể đăng ký học ở một cơ sở giáo dục khác những môn học và chuyên đề học tập mà trường học sinh đang theo học không có điều kiện tổ chức dạy.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Thời lượng giáo dục: Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học. Mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Khuyến khích các trường trung học phổ thông đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT

Theo Bộ GD&ĐT, chương trình tổng thể sẽ được tiếp tục xem xét để ban hành chính thức cùng với các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Nguồn thông tin: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/cong-bo-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the-da-duoc-chinh-sua-hoan-thien-3597404-v.html

 
Sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học PDF. In Email
Thứ tư, 26 Tháng 7 2017 20:50

Hai hội thảo khoa học chuyên đề Cơ sở khoa học sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học đã được Bộ GD-ĐT tổ chức hôm 18/7.

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho hay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia 2016-2020 và 2 hội thảo khoa học chuyên đề Luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học.

Hai hội thảo có sự tham gia của đại diện Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, một số nhà khoa học và đại diện nhóm chuyên gia của Trường ĐH Luật TP.HCM.

Hội thảo về sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục ĐH còn có sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu.

luật giáo dục, luật giáo dục đại học, bộ giáo dục đào tạo, đổi mới giáo dục
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì 2 cuộc hội thảo khoa học chuyên đề về sửa đổi Luật giáo dục và Luật Giáo dục Đại học.

Sửa 7 vấn đề của Luật Giáo dục

Nội dung chỉnh sửa bổ sung Luật giáo dục sẽ tập trung trong 7 vấn đề theo 3 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua.

Luật giáo dục được ban hành năm 2005, đến nay một số nội dung của Luật đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục sẽ được tiến hành trên cơ sở rà soát tất cả các điều của Luật giáo dục để phân loại những nội dung trong các điều còn hợp lý, bất cập, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp, đảm bảo tính tổng thể các điều của Luật sau khi được sửa đổi, bổ sung.

Để đảm bảo tính thiết thực, khả thi và hiệu quả sẽ lựa chọn sửa đổi những vấn đề/nút thắt thực hiện đổi mới giáo dục, có tác động trực tiếp đến đời sống xã hội thuộc mức độ điều chỉnh của một văn bản luật để khi thông qua áp dụng được, đặc biệt ở địa phương và cơ sở; nâng cao hiệu quả trong thi hành luật pháp.

Nếu phát hiện cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung ở các điều trong Luật giáo dục ngoài các nội dung đã được Quốc hội thông qua, cần lồng ghép vào 03 chính sách và quy định cụ thể tại 07 vấn đề đã được Quốc hội thông qua.

Gỡ bỏ nút thắt phát triển đại học

Đối với Luật Giáo dục Đại học, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung là gỡ bỏ các nút thắt phát triển đại học, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để thực hiện tốt tự chủ đại học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, khuyến khích thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia phát triển giáo dục đại học.

Sửa đổi, bổ sung sẽ được tiến hành trên cơ sở rà soát tất cả các điều của Luật giáo dục đại học hiện hành để phân loại những nội dung trong các điều còn hợp lý, bất cập và đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp đảm bảo tính tổng thể các điều của Luật sau khi được sửa đổi, bổ sung.

Nội dung trọng tâm sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học sẽ bao gồm 4 nhóm chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua gồm: Tự chủ đại học, Quản trị đại học, Quản lý đào tạo, Quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, nếu phát hiện cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung cần thiết khác ngoài các nội dung đã được Quốc hội thông qua, cần lồng ghép vào 04 nhóm chính sách nêu trên hoặc bổ sung chính sách mới.

Đề nghị quy trình thông qua 2 kỳ họp Quốc hội

Vào ngày 20/7, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục và Luật giáo dục Đại học.

Trước đó, trong tờ trình Chính phủ, Bộ GD-ĐT dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2018. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật giáo dục ĐH sẽ được trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2018.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, về phối hợp thẩm tra đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 hồi tháng 4, Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hai luật này theo quy trình thông qua tại hai kỳ họp Quốc hội.

Về hồ sơ sửa đổi, bổ sung 2 luật này, Thường trực UB cho rằng, hồ sơ sửa đổi bổ sung Luật giáo dục sẽ thuyết phục hơn nếu việc đánh giá thực trạng nêu trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật giáo dục 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật giáo dục 2009 được phân tích kỹ lưỡng.

Đối với hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục đại học, Thường trực UB cho rằng, hồ sơ sẽ thuyết phục hơn nếu bổ sung các kết quả nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan đến nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung.

Trước đó, vào 4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã làm việc với Tổ công tác của Trường Đại học Luật TP.HCM về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Trường ĐH Luật TP.HCM là đơn vị được giao nghiên cứu triển khai xây dựng đề cương sửa đổi, bổ sung 2 luật này.

Nguồn thông tin: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/sua-doi-nhieu-noi-dung-cua-luat-giao-duc-va-luat-giao-duc-dai-hoc-385625.html

 
Luật Giáo dục ĐH: Sửa bao nhiêu mới đủ? PDF. In Email
Thứ tư, 19 Tháng 7 2017 20:39

Đây là câu hỏi được đặt ra tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục ĐH do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 17-7.

Luật Giáo dục ĐH: Sửa bao nhiêu mới đủ?

Từng là một trong những trường ĐH tiên phong thành lập hội đồng trường, nhưng hiện tại Trường ĐH Ngoại thương lại không có hội đồng trường - Ảnh: Nguyễn Khánh

Khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục ĐH vì nhiều bất cập đã bộc lộ rõ sau năm năm triển khai. Tuy nhiên, không ít chuyên gia giáo dục cho rằng không nên sửa đổi qua loa, chiếu lệ một vài điều của luật mà bỏ qua nhiều bức xúc có trong Luật giáo dục ĐH hiện hành.

Sửa 8-10 điều hay 
vài chục điều?

GS Trần Hồng Quân - chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho rằng xét chung về kết cấu và nội dung, Luật giáo dục ĐH hiện hành vẫn nghiêng theo hướng là một luật về các cơ sở giáo dục ĐH.

Trong luật, những nội dung rất quan trọng như về hệ thống giáo dục ĐH, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với giáo dục ĐH hầu như không được thể hiện rõ. Mặt khác, nhiều nội dung đưa vào lại quá chi li, không xứng tầm một luật về giáo dục ĐH.

Ông Trần Quang Huy - phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội - cho biết Bộ GD-ĐT đang đưa ra phương án sửa 8-10 điều trong Luật giáo dục ĐH. Nhưng việc sửa luật một cách chừng mực như vậy “liệu có được thông qua?”.

“Nếu sửa 8-10 điều nghĩa là chỉ sửa những cái chính yếu, còn bao nhiêu bức xúc khác không sửa được. Theo tôi, cần sửa sâu để đạt hiệu quả điều chỉnh pháp luật” - ông Huy nhấn mạnh. Theo ông Huy, hiện tại bộ đang giao Trường ĐH Luật TP.HCM chuẩn bị phương án sửa đổi bổ sung Luật giáo dục ĐH 2012.

Dù bộ “đặt hàng” sửa trong phạm vi 8-10 điều, nhưng từ góc tiếp cận của những người làm luật, Trường ĐH Luật TP.HCM đã phải chuẩn bị cả phương án sửa đến 38-40 điều trong hơn 70 điều Luật giáo dục ĐH 
hiện hành.

Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân - đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI - khẳng định những vội vã khi ban hành Luật giáo dục ĐH năm 2012 “mà chúng ta đang gánh hậu quả” cần phải tránh lặp lại, khi xây dựng Luật giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung lần này.

Ông Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cũng cho rằng việc “sửa đến đâu” Luật giáo dục ĐH là vấn đề cần bàn thêm với Chính phủ: chỉ sửa 8-10 điều hay nhiều hơn, hay thậm chí phải xây dựng hẳn luật sửa đổi?

Ông Bình khẳng định để sửa đổi, bổ sung, bộ phải thực hiện tổng kết nghiêm túc về Luật giáo dục ĐH hiện hành, “cái gì được, cái gì chưa được”.

Hội đồng trường 
hình thức, tự chủ trong... ràng buộc

Khi đề cập đến hội đồng trường, các chuyên gia đều chung nhận định: hoạt động của hội đồng trường còn rất mờ nhạt, về hình thức thì được trao quyền rất lớn, nhưng thực tế lại không có thực quyền.

Ở vị trí hiệu trưởng đương nhiệm Trường ĐH Ngoại thương, lại từng ở cương vị vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH trong thời gian xây dựng Luật giáo dục ĐH, nhưng PGS.TS Bùi Anh Tuấn cũng thừa nhận: hội đồng trường “chưa thực sự được coi trọng” cả trên thực tế và trong những “quy định thành văn”.

Theo ông Tuấn, trong tất cả văn bản điều hành của hệ thống giáo dục ĐH vẫn hiển hiện một thực tế: hội đồng trường chưa thực sự được coi trọng.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường “như hiệu trưởng”, hệ số của chủ tịch hội đồng trường “như hiệu trưởng”, nhiệm kỳ chủ tịch hội đồng trường “theo nhiệm kỳ hiệu trưởng”...

“Chủ tịch hội đồng trường chưa được coi trọng thì làm sao nói vị trí ấy phát huy được quyền lực?” - ông Tuấn nói.

Còn theo GS Trần Hồng Quân, hiệu trưởng phải do hội đồng trường cử ra thì mới tạo “chìa khóa” để nâng cao vai trò của hội đồng trường - với tư cách là tổ chức quyền lực cao nhất trong nhà trường. Ông Quân cũng thẳng thắn cho rằng luật cần tạo cơ chế giải phóng các ràng buộc trong quản lý, “triệt tiêu tệ nạn xin - cho đang phổ biến hiện nay trong cơ chế quản lý giáo dục ĐH”.

Dẫn chứng điều 32 của Luật giáo dục ĐH về quyền tự chủ các trường ĐH, GS Quân chỉ ra việc thực hiện quyền tự chủ lại bị ràng buộc với các quy định của Bộ GD-ĐT, làm cho các trường ĐH “hầu như mất hết quyền tự chủ”.

Theo kế hoạch, ngày 20-7, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội sẽ có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về việc sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục ĐH.

Xem chi tiết tại Nguồn thông tin: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20170718/luat-giao-duc-dh-sua-bao-nhieu-moi-du/1353883.html

 
Thủ tướng: Đổi mới giáo dục sẽ không thành công nếu không quan tâm tới đội ngũ thầy, cô giáo PDF. In Email
Thứ tư, 19 Tháng 7 2017 20:16

Sáng 19/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

 

Thủ tướng cũng ghi nhận, đánh giá cao Hội có nhiều sáng kiến, đề xuất góp phần xây dựng chính sách phát triển giáo dục đất nước. Đồng thời Hội đã nỗ lực khắc phục khó khăn. “Các đồng chí đã nêu tấm gương sáng của người thầy để con cháu, học sinh noi theo. Về hưu nhưng tinh thần đâu có hưu, mà vẫn tiếp tục đóng góp”.

Thủ tướng mong muốn Hội tiếp tục hoạt động tích cực, có nhiều đóng góp, thực hiện tốt mục tiêu phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, năng lực trí tuệ, phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo, góp phần thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đào tạo, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các địa phương quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động của Hội thiết thực, hiệu quả cao hơn; có cơ chế thích hợp để lắng nghe được nhiều hơn các ý kiến đóng góp quý báu cho ngành giáo dục.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt, hiệu quả việc phối hợp với Hội Cựu giáo chức Việt Nam, thực hiện “4 cùng”: Cùng đánh giá thực tiễn và chất lượng giáo dục; cùng bàn giải pháp đổi mới; cùng tổ chức một số hoạt động; cùng chăm lo đời sống đội ngũ nhà giáo đương chức và nghỉ hưu.

Nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu, Thủ tướng cho rằng muốn xã hội phát triển thì một yếu tố rất quan trọng là nhờ vào giáo dục. Chân, thiện, mỹ hay ý thức con người đều từ giáo dục. “Vì sao Nhật Bản phương tiện ô tô nhiều như thế nhưng tai nạn rất ít. Cũng do giáo dục mà ra”, Thủ tướng nêu ví dụ và cho rằng nếu không quan tâm đặc biệt đến đội ngũ thầy giáo, cô giáo thì đổi mới giáo dục sẽ không thành công.

Thủ tướng mong muốn Hội Cựu giáo chức Việt Nam tham gia tích cực hơn nữa vào công cuộc đổi mới giáo dục.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã có ý kiến xử lý, giải quyết một số kiến nghị của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, trong đó có một số chế độ, chính sách đối với giáo viên./.

Nguồn thông tin: http://dantri.com.vn/su-kien/thu-tuong-doi-moi-giao-duc-se-khong-thanh-cong-neu-khong-quan-tam-toi-doi-ngu-thay-co-giao-20170719194122924.htm

 
Bàn về giáo dục “không trường học” PDF. In Email
Thứ hai, 17 Tháng 7 2017 11:11

Ông Trần Công Diễm, chuyên viên chính Sở GD-ĐT Hà Nội giai đoạn 1981 - 2010 vừa có bài viết gửi VietNamNet về mô hình giáo dục "không trường học". Thông qua bài viết, ông Trần Công Diễm đề xuất những giải pháp để tổ chức dạy - học sao cho dân chủ - khách quan, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của người học.

Làm thế nào tổ chức Dạy - Học lấy học sinh làm trung tâm? Làm thế nào để Công nghệ thông tin trợ giúp tối đa cho giáo dục? Làm thế nào để tháo gỡ những nút cản của giáo dục hiện nay - Bộ GD-ĐT không phải loay hoay vào công tác thi cử, soạn sách giáo khoa, tiêu cực trong giáo dục được hạn chế tối đa, Nhà nước dần dần chuyển chế độ hợp đồng suốt đời thành hợp đồng có thời hạn cho phần lớn giáo viên...

học sinh, giáo viên, đổi mới giáo dục
Ảnh minh họa của Đinh Quang Tuấn

Tôi xin được bàn về tổ chức dạy - học sao cho dân chủ - khách quan, đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của người học. Thiết kế và vận hành ba tổ chức “Nơi dạy - học”, “Nơi đánh giá”, “Nơi cấp chứng nhận hết cấp” cho học sinh phổ thông là trọng tâm của bài viết này.

Tại sao lại là “không trường học"?

Có một số căn cứ để tôi đề xuất ý tưởng này.

Thứ nhất là Tách việc đánh giá ra khỏi giáo viên giảng dạy hiện nay.

Trong mô hình giáo dục mới, chưa thấy Việt Nam nói gì về vấn đề ”tách giáo viên ra khỏi quá trình đánh giá”. Dưới sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, ta hoàn toàn có thể làm được việc này. Mà, đây lại là cách duy nhất chấm dứt tình trạng “dạy thêm - học thêm”.

Tại nhiều nước tiên tiến, việc dạy - học tại trường và việc đánh giá qua các trung tâm khảo thí đã được thực hiện bình thường.

Thứ hai, Không ôm tất cả các môn vào trong trường học.

Tại Việt Nam, việc học ngoại ngữ tại các trung tâm ngoại ngữ ngày một phát triển, các trung tâm lớn khi kiểm tra đánh giá để cấp chứng chỉ đều lấy đề và chấm thi ở các trung tâm khảo thí. Bộ GD-ĐT cũng đã công nhận một số chứng chỉ ngoại ngữ và có quy định chuyển đổi.

Trong dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” đề cao môn âm nhạc và tính phải đào đạo thêm 5.000 giáo viên dạy nhạc nữa. Theo tôi, điều này là không nên, bởi muốn đánh được một nhạc cụ một cách nghe được cần không dưới 10.000 giờ luyện tập, số giáo viên âm nhạc biểu diễn được nhạc cụ hay xướng âm được một bản nhạc vẫn chỉ là số ít. Trong khi đó, chúng ta có rất nhiều người được đào tạo bài bản về âm nhạc ở khắp mọi miền đất nước.

học sinh, giáo viên, đổi mới giáo dục
"Cần tách việc đánh giá ra khỏi giáo viên giảng dạy hiện nay" (Ảnh: Đinh Quang Tuấn)

Năm 2002 tôi tham dự diễn đàn giáo viên Á - Âu, đã được nghe trình bày mô hình lớp học phổ thông 500 học sinh một lớp. Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, một cổng thông tin dạy - học có thể có tới hàng nghìn, hàng vạn người theo học tùy theo thời gian mà người học muốn…

Vì vậy, với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, nhà trường không nên ôm đồm tất cả. Bắt một đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào một ban giám hiệu nhất định cũng là không nên.

"Không trường học" sẽ thực hiện như thế nào?

Mô hình “Giáo dục không trường học” có năm thực thể chính: Trung tâm dạy - học; Trung tâm đánh giá; Cơ quan cấp chứng nhận cuối cấp học; Học sinh; Và chính quyền các cấp, cha mẹ học sinh và các đối tác giáo dục, gọi tắt là “Hỗ trợ”.

Mô hình tuân theo nội dung giảng dạy cũng như quy định môn bắt buộc và môn tự chọn của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Mô hình này vận hành như sau:

“Dạy – học” là nơi tổ chức việc dạy và học cho từng cá thể học sinh, có số lượng từ 1 học sinh đến hàng nghìn hàng vạn học sinh.

Có thể dạy một môn cho đến tất cả các môn theo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Tùy theo số lần học sinh tham gia cùng một lúc mà ta tiến hành đặt tên và quy định xin phép. Ví dụ “nơi dạy - học”, “nhóm”, “lớp”, ”trung tâm” (cũng có thể vẫn có khái niệm “trường”), và tổng doanh thu một năm của một nơi “dạy - học” trên 10 tỷ (khoảng nửa triệu đô la Mỹ) mới phải xin phép thành lập.

Chúng ta sẽ đối mặt với những nơi dạy học ở trên mạng có rất đông người theo học nhưng chỉ có cùng địa chỉ IP. Chúng ta cũng sẽ gặp hàng vạn nơi Dạy – Học chỉ có một học sinh. Chúng ta có thể có những nơi Dạy – Học chỉ dạy một môn do các giáo sư danh tiếng chủ trì…

Chúng ta sẽ giải phóng dần dần hàng triệu biên chế (nơi Dạy – Học chủ yếu thực hiện chế độ hợp đồng). Trường sư phạm vẫn mở nhưng phải cạnh tranh với thực tế rất nhiều người dạy không cần qua sư phạm. Sư phạm phải đổi mới để người học cần đến đâu học đến đó.

Bộ GD-ĐT sẽ quy định nội dung kiến thức thành các tín chỉ theo khối. Học sinh

tùy theo thời gian và hoàn cảnh của bản thân và gia đình để ghi danh tại các nơi Dạy – Học.

Sẽ không còn khái niệm “lớp”, chỉ còn khái niệm “khối” (tiểu học, THCS, THPT).

Tại các nơi Dạy – Học không có khái niệm cho điểm.

Tùy theo chương trình do Bộ quy định mà giáo viên của nơi Dạy – Học tìm kiếm tài liệu giảng dạy phù hợp. Khi đó một chương trình với nhiều tài liệu dạy sẽ trở thành hiện thực.

Các nơi Dạy – Học được phép thuê các địa điểm để tổ chức giảng dạy.

Có thể còn một số nơi Dạy – Học là công lập để thực hiện ở những gia đình khó khăn hoặc vùng khó khăn. Hoặc cũng có thể chính quyền từng nơi phát một số tiền cho mỗi trẻ em trong nơi cư trú một số tiền nhất định đủ cho các cháu duy trì việc học. Còn lại các nơi Dạy – Học theo cơ chế thị trường để tồn tại và phát triển.

Các nơi Dạy – Học có thể dạy các môn văn hóa bằng tiếng nước ngoài nhằm mục tiêu hội nhập. Giáo viên và học sinh Việt Nam có thể tham gia giảng dạy và học tập ở các nước như một thành viên thực sự.

“Đánh giá” là mấu chốt của việc thay đổi.

Dứt khoát phải “tách giáo viên ra khỏi quá trình cho điểm đánh giá”. Không thể để tình trạng giáo viên dạy thêm vì là người ra đề kiểm tra đánh giá.

Về Đánh giá, chúng ta phải học các nơi như các trung tâm ngoại ngữ và âm nhạc do các trung tâm khảo thí tiên tiến trên thế giới mà đang hiện hữu tại đất nước chúng ta.

Đánh giá sẽ được làm ở tất cả các môn mà Bộ GD-ĐT yêu cầu.

Đánh giá mới đầu có thể do Nhà nước quản lý sau thay thế dần bằng các tổ chúc tư nhân. Chỉ có các nơi Đánh giá mới được kiểm tra, cho điểm, phân loại cá nhân học sinh, có quyền cấp giấy chứng chỉ khi học sinh hoàn thành một tín chỉ.

Nơi Đánh giá có thể làm một hay nhiều môn. Đánh giá có thể là cơ sở của người nước ngoài và có thể đóng tại nước ta hay nước ngoài như môn Ngoại ngữ và Nhạc mà hiện nay chúng ta chấp nhận.

học sinh, giáo viên, đổi mới giáo dục

Chỉ có các nơi Đánh giá mới được kiểm tra, cho điểm, phân loại cá nhân học sinh, có quyền cấp giấy chứng chỉ khi học sinh hoàn thành một tín chỉ

Tiền duy trì và phát triển Đánh giá có thể hoàn toàn theo cơ chế thị trường hoặc theo cơ chế thị trường có đóng góp của chính quyền thông qua % thuế .

Theo ý của tôi, chúng ta nên thuê các nhà khảo thí của các nước như Anh - Mỹ - Úc - Singapore sang làm và hợp tác với chúng ta thời kỳ đầu và nên bỏ ra số tiền đủ lớn để học làm từ A đến Z công việc này.

Làm được việc nay việc “dạy thêm - học thêm” sẽ dần tan biến.

“Chứng nhận” là cơ quan của Nhà nước, tổng hợp các chứng chỉ của người học để cấp chứng nhận hoặc một văn bằng tương đương.

Các văn bằng này là: “Đã học hết chương trình tiểu học”, “Đã học hết chương trình trung học cơ sở”, “Đã học hết chương trình phổ thông Trung học” hay “Bằng tốt nghiệp phổ thông”.

Cơ quan này có thể được Bộ GD-ĐT ủy quyền cho các Sở. Cơ quan này tuyệt đối không được làm nhiệm vụ đánh giá thay cho các đơn vị Đánh giá.

Cần một cơ quan Nhà nước làm việc này để còn giao dịch với nước ngoài.

“Học sinh” là điểm dẫn dắt toàn bộ mô hình hoạt động.

Học sinh cùng gia đình  theo yêu cầu của chương trình  sẽ lựa chọn môn học theo hoàn cảnh của bản thân và gia đình. Học sinh có thể học một khối với thời gian ngắn hơn  hoặc dài hơn. Ví dụ có thể hoàn thành học tiểu học trong 3 năm (3/5) hoặc hoàn thành chương trình phổ thông trung học trong 6 năm (6/3). Sẽ không có khái niệm học sinh lưu ban (chỉ vì vài môn mà phải học lại tất cả các môn). Sẽ xuất hiện những học sinh 13, 14 tuổi hoàn thành chương trình phổ thông .

Theo mô hình này, học sinh hoàn toàn tự do về thời gian học và địa điểm học. Chỉ tuân theo số tín chỉ phải có khi hoàn thành “khối”. Sẽ không còn khái niệm phân tuyến theo địa bàn, trái tuyến phải đóng thêm tiền nữa. Học sinh và cha mẹ học sinh hoàn toàn chịu trách nhiệm với thời gan học và thời gian nghỉ.

Không có khai giảng và bế giảng. Học sinh có thể chọn nhiều nơi Dạy – Học cùng một thời gian. Thể thức bán trú vẫn được thực hiện khi gia đình có nhu cầu. Học sinh có thể ngồi nhà tự học một số môn mà phụ huynh có thể trực tiếp trao đổi, học trên mạng một số môn. Có thể theo học song ngữ hoặc hoàn toàn tiếng nước ngoài…

Những phụ huynh ngại nghĩ có thể theo nơi Dạy – Học có tổ chức như trường học hiện nay, mọi việc gần như vẫn bình thường. Những phụ huynh có tính tổ chức sẽ tổ chức việc học tập của con tối ưu nhất.

“Hỗ trợ”là khối tạo mọi điều kiện cho khối khác hoạt động

Chính quyền tạo mọi điều kiện tổ chức được các điểm Dạy – Học trên địa bàn hoặc liên địa bàn. Hỗ trợ tài chính bằng qui định có tính pháp luật cho các tổ chức Dạy – Học và “Học sinh”.

Cha mẹ học sinh đảm bảo trẻ em được học liên tục ít nhất đến 16 tuổi hoặc hoàn thành chương trình Trung học phổ thông. Cùng với chinh quyền địa phương tạo đủ tài chính cho con được học, dần đến học theo nhu cầu học của con.

Các đối tác là các đơn vị hành chính, sản xuất, kinh  doanh, tổ chức xã hội và tôn giáo tùy theo tôn chỉ hoạt động của đơn vị để có thể tham gia vào quá trình giáo dục hay đóng góp kinh phí trực tiếp cho cá nhân học sinh, đơn vị Dạy – Học hoặc chính quyền địa phương.

Các giai đoạn triển khai

Giai đoạn 0: Cùng đề xuất Bộ GD-ĐT và Chính phủ cho phép mô hình được thực hiện từ thí điểm đến toàn bộ. Trước mắt cho phép thay thế các điểm số, đánh giá của các tổ chức đánh giá có uy tin trong và ngoài nước. Thực ra, giai đoạn này đang thực hiện với môn Ngoại ngữ.

học sinh, giáo viên, đổi mới giáo dục
Các giai đoạn triển khai

Giai đoạn 1 (giai đoạn này có thể thực hiện cùng hoặc trước giai đoạn 0): Gấp rút tổ chức các đơn vị đánh giá kết quả học. Giai đoạn này nên thực hiện ngay tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM rồi lan dần ra toàn quốc.

học sinh, giáo viên, đổi mới giáo dục
Giai đoạn 1

Giai đoạn 2: Lấy trường học hiện nay là nơi “Dạy - Học” chính, cho phép một bộ phận học sinh học một số môn tại các nơi “Dạy – Học” khác nhau. Hiện nay giai đoạn này đang được thực hiện với môn Ngoại ngữ. Chúng ta dần dần cho phép thực hiện ở các môn học khác. Giai đoạn này tùy thuộc vào quyết tâm thành lập các nơi Đánh giá. Tôi nghĩ giai đoạn này cũng nên bắt đầu ngay và ngày dần phát triển.

học sinh, giáo viên, đổi mới giáo dục
Giai đoạn 2

Giai đoạn 3: Như vậy, bước đầu ta vẫn duy trì trường học như hiện nay trên cả nước, tùy theo quyết tâm xây dựng nơi Đánh giá mà mô hình trường học kiểu cũ sẽ dần thay đổi từ trao cho nơi Đánh giá một môn đến tất cả các môn. Dần pháp lý hóa tư cách pháp nhân của các môn Dạy – Học.

học sinh, giáo viên, đổi mới giáo dục
Giai đoạn 3

Khi mô hình vận hành đầy đủ sẽ tháo gỡ những nút cản của giáo dục hiện nay. Và quan trọng nhất là học sinh sẽ được học cái gì mình muốn học, hoàn thành thời gian học hợp lý nhất cho bản thân.

Nguồn thông tin: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/doi-moi-giao-duc-ban-ve-giao-duc-khong-truong-hoc-383042.html

 
«Bắt đầuLùi1234567Tiếp theoCuối»

Trang 2 trong tổng số 7


 Truy Cập 

 Giáo dục và Thời đại 

 Giáo dục Việt Nam 

 Giáo dục TP.HCM 

 Trường học kết nối 

 PISA - OECD