Xây dựng nội dung tích hợp giáo dục tài chính cho học sinh lớp 3 tại thành phố hồ chí minh In
Thứ tư, 12 Tháng 5 2021 18:53

Nguyễn Minh Giang

Giáo dục tài chính (GDTC) được hiểu là một quá trình trong đó người tiêu dùng/nhà đầu tư hiểu biết về các khái niệm, sản phẩm và rủi ro tài chính để phát triển các kĩ năng nhận biết các rủi ro và cơ hội tài chính. Từ đó, họ đưa ra các quyết định và hành động một cách hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng tài chính của mình. GDTC giúp cải thiện trình độ hiểu biết về tài chính, giúp các cá nhân vượt qua những tổn thương do hoàn cảnh, phá vỡ các rào cản tâm lí và khoảng cách địa lí. Ở Việt Nam, hiện nay chưa có chính sách GDTC quốc gia. Tuy nhiên, một số ngân hàng và tổ chức phi chính phủ đã thực hiện GDTC trong rất ít trường học và cộng đồng dân cư, nhưng hiệu quả tác động đến thay đổi nhận thức về tài chính không đáng kể. Theo kết quả điều tra về thái độ và hành vi tài chính của Việt Nam cho thấy, song song với việc cải thiện giáo dục phổ thông nói chung, việc trang bị các kiến thức về GDTC là cần thiết để cải thiện các hành vi tài chính như tiết kiệm và tiêu dùng hợp lí. Theo nghiên cứu của Đại học Cambridge (2013), thói quen sử dụng tiền của trẻ định hình từ khi chúng 7 tuổi. Với độ tuổi còn nhỏ, HS khó nhận thức mọi thứ xung quanh đúng đắn nếu không có sự tác động tích cực cũng như các biện pháp giáo dục phù hợp từ gia đình, nhà trường và xã hội. GDTC cần được dạy và cần thực hành thường xuyên để hình thành kĩ năng quản lí tài chính từ giai đoạn trẻ em và thanh thiếu niên một cách hệ thống. Mục tiêu của việc GDTC là giúp HS có thể đưa ra các quyết định về tài chính tốt nhất, tránh những sai lầm, có thể kháng lại những áp lực tài chính từ bạn bè, xã hội trong tương lai.

Dựa trên nguyên tắc SOS và kết quả khảo sát thực trạng một số trường tiểu học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nghiên cứu này đã bước đầu xây dựng được hệ thống các chủ đề GDTC tích hợp vào các môn học và hoạt động trải nghiệm để hình thành kĩ năng quản lí tài chính cho HS lớp 3 theo một hệ thống. Các chủ đề có mối quan hệ mật thiết với nhau bao gồm: (1) “Tìm hiểu chung về tiền”, HS được tìm hiểu về những tờ tiền của Việt Nam đang sử dụng hằng ngày với tất cả các mệnh giá. Ngoài việc biết tất cả các mệnh giá tiền Việt Nam, HS còn được nâng cao tình yêu quê hương, đất nước thông qua việc khám phá những cảnh đẹp, địa danh nổi tiếng được in phía sau các tờ tiền. (2) “Em giữ tiền như thế nào”, HS nhận thức được số tiền mình hiện có và những nơi thích hợp để cất giữ cẩn thận tiền của mình. Làm thế nào để giúp HS ý thức và tự giác tiết kiệm tiền? (3) “Nguồn gốc, giá trị của tiền”, HS nhận thức được nguồn gốc của tiền chính là từ sức lao động của ba mẹ, từ phần thưởng khi em có điểm tốt, phụ giúp ba mẹ một số công việc ở nhà. (4) “Cá tính của em về tiền”, HS sẽ được trải nghiệm làm những nhà tranh luận, đưa ra quan điểm về tiền qua 04 câu chuyện về kẻ khoe khoang, né tránh, theo sau và tiết kiệm. Cuộc tranh luận nhằm phát huy kĩ năng hùng biện của HS chứ không đưa ra kết luận đúng sai. Qua cuộc tranh luận, HS sẽ xác định được cá tính của mình về tiền bạc. (5) “Những nguyên tắc đơn giản của tỉ phú”, HS được tìm hiểu về một số tỉ phú nổi tiếng trên thế giới và những nguyên tắc đơn giản của họ về vấn đề tiền bạc. Từ đó, HS có thể học hỏi, thử áp dụng để giúp tăng nhanh số tiền tiết kiệm. (6) “Phân biệt cần - muốn”, HS học một kĩ năng quan trọng trong việc quản lí tài chính, đó là kiểm soát được việc sử dụng tiền của mình với quy tắc sử dụng tiền: Tập trung vào thứ mình cần, hạn chế mua thứ mình muốn. Ngoài ra, HS còn được học một số mẹo nhỏ để xác định nhanh chóng thứ mình cần và thứ mình muốn. (7) “Tiết kiệm tiền” là chủ đề giúp HS chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm của chính bản thân trong quá trình học và áp dụng kĩ năng quản lí tài chính vào cuộc sống. (8) “Tiêu dùng thông thái” là chủ đề cuối cùng sau khi HS được học cách tiết kiệm (S) và từ thiện (O) được tổ chức thông qua các hoạt động thực tế như đi chợ, đi siêu thị, hội chợ mini, … để HS có cơ hội trải nghiệm và tự rút ra cho mình những bài học và kinh nghiệm tiêu dùng.